Trước tiên, hãy giữ bình tĩnh
Hãy chắc chắn rằng bạn đang giữ được sự bình tĩnh và kiểm soát được cảm giác sợ hãi, lo lắng của chính mình trước khi nói chuyện với con về dịch bệnh.
Bởi theo Mark Reinecke, nhà tâm lý học của Học viện Tâm trí Trẻ em (Anh), trong những tình huống mơ hồ, trẻ thường tìm đến cha mẹ để học cách kiểm soát và đáp ứng tình huống đó.
“Nếu bạn bình tĩnh, trẻ sẽ yên tâm và dễ chấp nhận thực tế. Nhưng nếu bạn lo lắng, sợ hãi, trẻ sẽ lâm vào tình trạng tương tự”, Mark nói.
Cha mẹ cần giữ bình tình, từng bước chia sẻ thông tin cho con, khi nói tới dịch bệnh Covid-19.
Cởi mở, trung thực
Đối với những trẻ vừa biết đi, chúng khá hiếu động và thường đặt ra những câu hỏi nghi vấn. Lúc này, điều quan trọng là bạn cần phải trả lời trực tiếp vào câu hỏi để tránh làm trẻ nhầm lẫn hay hiểu nhầm.
Theo các chuyên gia, bằng cách thảo luận vấn đề cởi mở, trung thực, cha mẹ có thể giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc phòng bệnh như: Rửa tay, thậm chí là che miệng khi hắt hơi. Quan trọng hơn cả, khi nói chuyện với con, cha mẹ nên trấn an trẻ để chúng yên tâm hơn, tránh sự lo lắng, hoảng loạn.
Trẻ cần tiếp cận thông tin theo độ tuổi
Hãy chắc chắn rằng bạn cho các con tiếp cận với chủ đề Covid-19 phù hợp với từng độ tuổi của chúng.
Ví dụ như với trẻ dưới 5 tuổi không cần biết đến những chi tiết như tên của virus hay mối đe dọa với toàn cầu của loại virus này. Thay vào đó, bạn nên trò chuyện với con về vi trùng và cách để phòng ngừa loại vi trùng đó (rửa tay).
Đối với trẻ đang ở tầm tuổi đi học, bạn có thể cung cấp thông tin về ổ dịch cho con, ổ dịch đó là gì và lây lan như thế nào, cũng như cách phòng ngừa. Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không nên nhắc tới nghĩa của từ “sắp chết” hoặc “chết” trước mặt con.
Đối với trẻ trên 10 tuổi hay thanh thiếu niên cha mẹ nên nói thật, không giấu con về dịch bệnh. “Bởi mọi thông tin hiện nay đều có thể xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, thay vì giấu con, hãy kể cho chúng nghe về sự thật để trấn an tinh thần cho con”, nhà tâm lý học lâm sàng John Mayer khuyến cáo.
Tập trung nói sự thật, không nhắc nhiều tới tiêu cực
Khi nói chuyện với con, bạn hãy tập trung vào các sự kiện, số liệu thực và kèm theo những lời trấn an, tránh nhắc tới những thông tin tiêu cực.
Ví dụ: “Hiện nay mặc dù có hàng nghìn người mắc bệnh hàng ngày nhưng ở nước ta chỉ có vài trường hợp…”. Hay: “Có rất nhiều người nhờ phòng bệnh hay điều trị tích cực nay đã khỏi bệnh và xuất viện”.
Hoặc: “Mặc dù virus Covid-19 dễ lây lan nhưng vẫn có thể phòng bệnh được qua việc rửa tay, giữ gìn vệ sinh cơ thể hàng ngày”…
Nhắc trẻ vệ sinh thật tốt
Vệ sinh tốt là “chìa khóa” để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng tự biết cách vệ sinh cho mình.
Vì vậy khi nói đến dịch bệnh, cha mẹ nên khuyến khích và hướng dẫn các con rửa tay kỹ lưỡng, lau bề mặt, ném khăn giấy vào thùng rác sau khi dùng.
Hãy đảm bảo trẻ rửa tay kỹ lưỡng ít nhất trong 20 giây và che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; không cho trẻ tiếp xúc hay bắt tay với người lạ, người đang có triệu chứng giống cúm.
Video: Quân đội phun khử trùng khu vực có ca Covid-19 thứ 17 ở Hà Nội