Giáo sư Vinton Gray Cerf (79 tuổi, người Mỹ, tốt nghiệp Đại học Stanford) là một trong năm nhà khoa học vừa được vinh danh giải thưởng lớn nhất hành tinh - VinFuture Grand Prize 2022 trị giá 3 triệu USD. Ông tạo ra các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu. Ông được biết đến như một trong những “cha đẻ của Internet”.
Trả lời VTC News tối 20/12, giáo sư Vinton Gray Cerf chia sẻ, hồi đầu năm nay, ông từng viết thư đề cử giáo sư David Payne cho giải thưởng VinFuture 2022. Khi ấy, ông tin rằng những phát kiến của người bạn thân thiết sẽ được Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng giải thưởng VinFuture công nhận và xét giải.
Thật bất ngờ, sau đó vài tháng, chính ông cũng được VinFuture gửi thư báo về giải thưởng. "Phản ứng đầu tiên khi nhận thư của tôi là "chắc họ muốn gửi thư này cho ông David, nên khi biết mình là người nhận giải, tôi vô cùng kinh ngạc", giáo sư nói.
Giáo sư Vinton Gray Cerf tại lễ trao giải tối 20/12.
Với ông, điều hạnh phúc hơn nữa là tất cả những người được trao giải thưởng chính năm nay đều là những người bạn thân thiết: giáo sư Bob Kahn, giáo sư Sir Tim Berners-Lee và giáo sư David Payne.
Chia sẻ hành trình đến với phát kiến Internet, chủ nhân giải thưởng chính VinFuture 2022 nói, từ nhỏ, thế giới của ông luôn xoay quanh máy tính và điện toán. Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, dù khi ấy mới chỉ 17 tuổi nhưng ông luôn hào hứng với việc viết các chương trình và khiến máy tính thực hiện những gì mình mong muốn. Điều này giống như tạo ra vũ trụ thu nhỏ, bạn có thể yêu cầu nó làm những gì bạn muốn.
Khi đang là sinh viên sau đại học (năm 1970), Bộ Quốc phòng Mỹ khởi động một dự án có tên ARPANET, hướng đến việc kết nối máy tính giữa các trường đại học nghiên cứu về công nghệ máy tính, ông vinh dự được mời tham gia nghiên cứu. Bộ Quốc phòng làm điều này vì họ muốn biết các nhóm đang nghiên cứu về khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo hay không và các chương trình có đạt được tiến bộ nhanh hơn hay không.
Khi đó, vấn đề lớn nhất ông gặp phải là sự kết nối giữa các máy tính. Chúng đến từ nhiều nhãn hàng khác nhau và không có phương thức liên kết chung.
Một vấn đề khác là việc liên lạc thời đó thường sử dụng mạng lưới điện thoại cố định có dây - phải quay số rồi chờ người khác trả lời. Đây là quá trình rất chậm chạp, trong khi máy tính thì chạy rất nhanh.
Ông và cộng sự của mình đã lập trình thành công công nghệ mới giúp máy tính liên lạc với nhau dễ dàng - đó chính là ARPANET.
Năm 1973, Bộ Quốc phòng tiếp tục muốn thử sử dụng máy tính để quản lý dữ liệu tốt hơn, trên cơ chế chỉ huy và kiểm soát. Điều này có nghĩa một số máy tính phải có thể di động, thay vì cố định. Một số sẽ ở trên thuyền và một số sẽ ở trên máy bay.
"Trong khi với ARPANET, chúng tôi mới chỉ kết nối các máy tính ở các vị trí cố định bởi mạch điện thoại. Nhóm khoa học phải đối mặt với thách thức lớn, như cách sử dụng các mạng radio hay vệ tinh khác nhau để kết nối máy tính với nhau, cũng như cho phép kết nối số lượng mạng lưới lớn tùy ý.
Đối diện với bài toán thế kỷ, chúng tôi mất 6 tháng để hoàn thành. Năm 1974 chính là dấu mốc cho sự ra đời của Internet", ông chia sẻ.
Video: Các nhà khoa học nhận giải thưởng chính của VinFuture
Ngoài giáo sư Vinton Gray Cerf, 4 nhà khoa học nhận giải thưởng chính VinFuture 2022 trị giá 3 triệu USD gồm: giáo sư Timothy John Berners-Lee, tiến sĩ Emmanuel Desurvire, tiến sĩ Robert Elliot Kahn và giáo sư David Neil Payne.
VinFuture mùa 2 khép lại với 9 tác giả của 4 công trình khoa học đột phá mang lại sự “Hồi sinh và Tái thiết” cho nhân loại được vinh danh. Bên cạnh giải chính, ba giải đặc biệt vinh danh các công trình: Hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2; Phân lập gen Sub1A tạo giống lúa chịu ngập dài hạn năng suất cao và Hệ thống lọc nước nhiễm Asen và kim loại nặng với chi phí thấp.