Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ai sẽ là chủ nhân giải thưởng khoa học công nghệ lớn nhất hành tinh VinFuture?

(VTC News) -

Chủ nhân giải chính giải thưởng VinFuture mùa 2 với tiền thưởng 3 triệu USD (gấp gần 3 lần giải Nobel) sẽ được công bố vào tối nay (20/12) tại Nhà hát lớn Hà Nội.

VinFuture là sự kiện khoa học mang tầm cỡ thế giới do Quỹ VinFuture tổ chức. Quỹ này do vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập vào tháng 12/2020.

Chủ nhân của bốn hạng mục giải thưởng sẽ lộ diện với tổng giá trị lên tới 4,5 triệu USD. Trong đó, hạng mục giải chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD cho tác giả của nghiên cứu đột phá, các sáng chế công nghệ khả năng làm cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn và cải thiện môi trường sống bền vững cho những thế hệ tương lai. Ba giải đặc biệt, mỗi giải 500.000 USD dành cho nhà khoa học có phát minh sáng chế tiên phong trong lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và người đến từ nước đang phát triển.

Hội đồng Giải thưởng VinFuture 2022.

Những người đưa ra quyết định lựa chọn công trình trao giải là thành viên Hội đồng giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture. Họ là những nhà khoa học tầm ảnh hưởng bậc nhất trên thế giới như GS Richard Henry Friend, Đại học Cambridge (Anh), người đạt Giải Millennium Technology Vật lý năm 2010; GS Gérard Mourou, Đại học École Polytechnique (Pháp), người đạt Giải Nobel Vật lý năm 2018; GS Sir Kostya S. Novoselov, Giải Nobel Vật lý năm 2010; GS Đặng Văn Chí, Giám đốc Khoa học, Viện nghiên cứu ung thư Ludwig, GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Santa Barbara, Mỹ...

GS Sir Richard Henry Friend (Đại học Cambridge, Vương quốc Anh), Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture cho biết, số lượng đề cử mà ban tổ chức nhận được năm nay là 970 hồ sơ, cao hơn hẳn năm ngoái, phạm vi các nước tham dự cũng rộng hơn - 71 quốc gia có hồ sơ đề cử.

Con số ấn tượng này cho thấy sự quan tâm từ khắp thế giới với giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu từ Việt Nam. Chất lượng các đề cử mùa giải này tốt hơn, thậm chí nhiều phát minh mới mẻ với ngay cả ban giám khảo vốn đều là những nhà khoa học kiệt xuất.

"Chúng tôi muốn tiếp cận đến mọi lĩnh vực và trên khắp các châu lục để mở rộng phạm vi và tác động của giải thưởng VinFuture trong việc hồi sinh thế giới sau đại dịch", GS Sir Richard Henry Friend nói.

Các tiêu chí lựa chọn của ban giám khảo trước các đề cử ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng. Đồng thời, các tiêu chí chọn giải sẽ không cố định giống như đơn thuốc, không cho chúng ta biết câu trả lời đúng là gì. "Chúng tôi luôn muốn sự bất ngờ và đó là tiêu chí lựa chọn của tôi", vị giáo sư nói.

Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture bật mí công trình được tôn vinh năm nay là bước tiến lớn.

Năm thứ hai giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng sơ khảo VinFuture, GS Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Santa Barbara, Mỹ) đánh giá, các đề cử năm nay đều chất lượng, nhiều công trình mang tính đột phá, thay đổi cả nhân loại. Ban giám khảo "rất đau đầu, nâng lên đặt xuống công trình ứng cử vì chất lượng rất tốt".

"Tôi và đội ngũ hỗ trợ tuy cực nhưng vui vì giải thưởng của Việt Nam được toàn cầu biết tới, bằng chứng là chất lượng đề cử ngày càng cao, đồng thời cũng phù hợp với chủ đề của VinFuture 2022 là hồi sinh và tái thiết", GS Quyên nói.

50 đề cử được đánh giá cao nhất năm nay đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như trồng trọt, vật liệu mới, công nghệ pin, y khoa. Đây cũng là điểm đặc biệt của giải VinFuture khi tìm kiếm và tôn vinh những công trình gần gũi với cuộc sống của người dân.

Một số đề cử năm nay đến từ Việt Nam nhưng chiếm số lượng chưa nhiều, bà Quyên hy vọng trong những năm tới nền khoa học công nghệ Việt Nam sẽ được khẳng định hơn nữa trên thế giới.

Hà Cường

Tin mới