Ngày 22/3, Joshua Haileyesus được anh trai sinh đôi phát hiện bất tỉnh trên sàn nhà tắm. Sau 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi Colorado, cậu bé được tuyên bố chết não. Các bác sĩ khuyên gia đình chuẩn bị nói lời từ biệt, theo New York Post.
“Thằng bé là một chiến binh. Mỗi ngày, tôi đều cầu nguyện cho con trai”, Haileyesus Zeryihun, bố của Joshua, chia sẻ.
Người cha nói thêm: “Thật đau lòng khi thấy con nằm bất động trên giường. Tôi đã cầu xin các bác sĩ thêm một chút thời gian để không từ bỏ. Nếu không làm vậy, tôi cảm thấy mình đang dần mất thằng bé”.
Joshua Haileyesus được cho là dùng dây giày làm mình tự ngạt thở đến bất tỉnh theo trào lưu Blackout Challenge.
Hirut Yitayew, bạn của gia đình Joshua, nói với The Denver Channel rằng: “Không ai có thể tưởng tượng điều này sẽ xảy ra với một đứa trẻ 12 tuổi”.
Tối 29/3, rất đông người thân, bạn bè và hàng xóm của gia đình Joshua đã tập trung tại bệnh viện để cầu nguyện phép màu đến với cậu bé.
Cha mẹ của Joshua cho biết con trai thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Điều này giúp cậu bé học hỏi và có thêm niềm đam mê mới như nấu ăn, guitar và diễn xuất.
Theo họ, bên cạnh những khía cạnh tích cực của công nghệ và mạng xã hội, những đứa trẻ như Joshua cũng phải đối mặt với hàng loạt nguy hiểm.
“Trẻ em cần được hướng dẫn và giám sát việc sử dụng mạng xã hội. Đây là điều rất nghiêm trọng, hoàn toàn không phải trò đùa”, Haileyesus Zeryihun nói với The Denver Channel.
Theo lời phụ huynh, Joshua có lòng thương người từ nhỏ.
Theo New York Post, Blackout Challenge (tạm dịch: Thử thách ngạt thở) được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội từ năm 2020, đặc biệt là TikTok. Nó đòi hỏi người chơi thực hiện một số hành động gây ngạt để rơi vào trạng thái ngất xỉu tạm thời, theo AFP.
Ngày 20/1, một bé gái 10 tuổi người Italy không may thiệt mạng khi tham gia Blackout Challenge. Em gái nạn nhân là người đầu tiên phát hiện cô bé bất tỉnh trong phòng tắm cùng với chiếc điện thoại. Gia đình lập tức đưa bé gái đến bệnh viện ở thành phố Palermo nhưng không kịp cứu chữa.
Cái chết của bé gái gây nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ ở Italy, kêu gọi các mạng xã hội có biện pháp kiểm soát, quản lý nội dung và người dùng tốt hơn.
Ngày 22/1, đại diện TikTok cho biết họ không xác định được rõ nội dung nào trên nền tảng khuyến khích nạn nhân 10 tuổi tham gia bất kỳ thử thách nào như vậy. Tuy nhiên, họ cam kết hỗ trợ các nhà chức trách Italy trong cuộc điều tra về khả năng nạn nhân bị “xúi giục tự tử”.
Một số trào lưu nguy hiểm gây chết người, từng được các chuyên gia y tế cảnh báo giới trẻ không tham gia như Skull Breaker Challenge (tạm dịch: Thử thách kẻ phá huỷ hộp sọ), Benadryl Challenge (thách thức người tham gia uống 12 viên thuốc dị ứng để chìm vào ảo giác, tìm cảm giác hưng phấn).