Tại cơ sở sản xuất hương Nhật Thuý hơn 10 nhân công đang cặm cụi làm việc, người tuốt, người lăn, người đóng gói.
Chị Thuý - chủ cơ sở cho biết : “Gia đình tôi đã đầu tư nhiều máy móc tự động cho sản lượng cao hơn nhưng thị trường vẫn ưa chuộng loại hương làm thủ công. Làm thủ công thì người làm có thể chủ động lượng bài được bắt vào thân hương, chính vì thế hương làm thủ công sẽ thơm hơn hương làm bằng máy”.
Ở Dưỡng Thái Bắc hiện tại còn 6 hộ sản xuất hương. Đa số các hộ làm hương quanh năm vì thị trường tiêu thụ rất rộng, vào những dịp lễ hội hay ngày tết lượng hương sản xuất ra còn không đủ để bán.
Hương của Dưỡng Thái Bắc nổi tiếng vì không sử dụng bột keo (bột được nghiền ra từ cây keo - bời lời) nên có mùi thơm rất nhẹ nhàng và không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Không chỉ sản xuất các loại hương bài có chiều dài 38cm, 43cm, 70cm, làng Dưỡng Thái Bắc còn nức tiếng với những cây hương khổng lồ có độ dài từ 1,2m đến 1,6m. Cái tên “làng làm hương khổng lồ” cũng từ đấy mà ra đời.
Các loại hương ở đây làm ra chỉ khác nhau về kích thước còn lại đều có một công thức chung. Nhựa trám được trộn đều với bột than hoa tạo thành nến, người thợ sẽ tuốt đều nến này lên cây tăm hương sau đó lăn trên hỗn hợp mùn cưa và bài rồi phơi khô để định hình cây hương. Tuy nhiên, mỗi hộ gia đình lại có những công thức pha trộn khác nhau cho ra sản phẩm có mùi thơm đặc trưng riêng.
Hỗn hợp được tạo ra từ nhựa trám và than hoa có màu đen nhánh được người thợ gọi là nến.
Công đoạn tuốt nến lên tăm hương, người thợ phải tuốt thật đều để cây hương không bị gầy quá hay béo quá.
Đối với những mẻ hương chất lượng cao, công đoạn tuốt nến sẽ được thực hiện nhiều lần. Cây hương thành phẩm sẽ mập hơn hương bình thường và thời gian cháy sẽ chậm hơn.
Sau đó người thợ sẽ lăn cây hương trên bột nghiền từ cây bài và mùn cưa trước khi phơi khô.
Công đoạn lăn là công đoạn rất quan trọng vì nó quyết định hình dáng của cây hương thành phẩm.
Hương sau khi lăn xong sẽ được phơi khô trước khi đóng gói. Với nhưng ngày thời tiết xấu, không có nắng để phơi các hộ sẽ sử dụng máy sấy để sấy hương.
Người thợ đóng gói hương thành phẩm trước khi bán ra thị trường. Ngoài thị trường truyền thống là Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, những năm gần đây các hộ sản xuất hương còn mở rộng thị trường đến một số tỉnh, thành phía Nam.
Không khí tấp nập tại cơ sở của chị Trần Thị Thao, một số khách hàng ngồi đợi sẵn để mua ngay những mẻ hương mới ra lò.
Chị Thao cho biết, một vụ Tết nhà chị có thể sản xuất được hơn 180 vạn hương trong đó loại nén dài 43cm bán chạy nhất với hơn 100 vạn, loại nhỡ dài 38cm đạt 30 vạn còn lại là loại nhỏ 38cm và 38cm tăm bé. Riêng loại hương khổng lồ (hương sào) cơ sở của chị bán được hơn 9 vạn cây.
“Nghề làm hương tuy không vất vả nhưng người lúc nào cũng nhem nhuốc nhựa nến muốn rửa sạch phải dùng dầu hoả, mà rửa vài lần mới sạch được”, chị Ngà – một thợ làm hương chia sẻ.
Khi được hỏi các chị làm hương từ bao giờ, ai cũng cười lắc đầu: “Chẳng thể nhớ được, ngày bé tí đi học về ông bà đã dụ cho kẹo để bắt làm. Rồi cứ mỗi dịp gần tết, được nghỉ học lại đi lăn hương thuê tự kiếm tiền mua quần áo mới. Người làng Oi (Dưỡng Thái Bắc) thì phải biết lăn hương”.
Có bề dày hơn 100 năm nhưng số hộ làm hương ở Dưỡng Thái Bắc còn lại rất ít, lớp trẻ lớn lên không còn muốn theo nghề truyền thống vì thu nhập không cao mà còn bận bịu suốt dịp Tết. Đây cũng là nỗi trăn trở của những người còn giữ nghề vì tuổi của họ ngày một cao hơn.