Là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, đầu mối giao thông nối liền giữa các địa phương trong vùng với miền Đông Nam Bộ và đi cả nước, Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Theo báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, trong 8 tháng năm 2023, ngành Du lịch thành phố đã đón trên 4,8 triệu lượt khách, tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 92% kế hoạch năm.
Các doanh nghiệp lưu trú phục vụ trên 2 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 77% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 4.120 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ, đạt 90% kế hoạch năm. Đây là tín hiệu khả quan cho ngành Du lịch Cần Thơ trong thời gian phục hồi sau dịch COVID-19.
Trong kế hoạch năm 2023, Cần Thơ phấn đấu đón 5,2 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú khoảng 2,7 triệu lượt và tổng doanh thu từ du lịch gần 4.600 tỷ đồng. Với đà thu hút du khách như hiện này, du lịch Cần Thơ có thể sớm đạt được các chỉ tiêu đề ra, nhất là dịp cuối năm là mùa đón du khách quốc tế.
Đặc biệt, kể từ giữa tháng 8/2023 các chính sách mới về thị thực tạo mọi điều kiện để du khách quốc tế đến Việt Nam. Tại Cần Thơ, ngành Du lịch thành phố cũng đang nỗ lực thu hút và gia tăng thị trường khách quốc tế.
Du khách trải nghiệm chèo ghe tại khu du lịch sinh thái vườn trái cây Phi Yến (Ảnh: Ái Lam/Báo Cần Thơ)
Để tiếp tục phát huy thế mạnh đó, UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Kế hoạch đề ra nhằm quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các mục tiêu,chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch được nêu tại Nghị quyết 82/NQ-CP(Nghị quyết); thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển của du lịch tại Cần Thơ để triển khai hiệu quả nội dung Nghị quyết; phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao tính liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phấn đấu đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong đó, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng sở ngành và các quận huyện trên địa bàn thành phố tập trung cho phát triển du lịch bền vững.
Theo đó, kế hoạch tập trung vào 8 nội dung cụ thể: Ðẩy mạnh, cơ cấu lại ngành Du lịch thành phố theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết phát triển thị trường khách du lịch; Ðầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện môi trường; Ðẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao và phù hợp nhu cầu thị trường; Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; Tăng cường công tác chuyển đổi số ngành Du lịch thành phố.
Một số nội dung được chú trọng gồm cơ cấu lại các hoạt động phát triển sản phẩm du lịch, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch hướng tới phân khúc cao cấp; Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, hiện đại, gắn với hình ảnh nhận diện của các thương hiệu uy tín quốc tế; Xây dựng thương hiệu một số điểm đến du lịch điển hình của một số địa phương của thành phố; Ðề xuất các nhóm chính sách, giải pháp phát triển các nhóm lĩnh vực: du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch nông nghiệp, du lịch MICE, du lịch văn hóa...; Triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Ðiểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.