Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh, câu chuyện vận động hoặc có dấu hiệu buộc học sinh ký đơn không đăng ký dự tuyển vào lớp 10 lại “nóng” khắp diễn đàn.
Theo quy định của hầu hết các địa phương, mỗi học sinh sau khi học hết lớp 9 được quyền đăng ký 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vào trường THPT công lập. Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không xét tiếp vào nguyện vọng 2 hoặc 3. Ngược lại, nếu trượt nguyện vọng 1, sẽ được xét tiếp ở nguyện vọng 2 và 3 theo quy định.
Năm nào cũng tái diễn tình trạng 'ép' các em học lực yếu bỏ thi lớp 10 công lập khiến phụ huynh, học sinh bức xúc. (Ảnh minh hoạ)
Với quy định như vậy, học sinh sẽ phải cân nhắc đến tính phù hợp về năng lực học tập, khoảng cách từ nhà đến trường, mức điểm chuẩn dự kiến, môi trường học tập.
Xuất phát từ thực tế này, kết hợp với nhiệm vụ hướng nghiệp, các trường THCS, thông qua giáo viên chủ nhiệm, sẽ tư vấn chọn trường và nguyện vọng cho từng học sinh. Về lý thuyết, đây là sự hỗ trợ đúng đắn, kèm theo những tính toán phù hợp trong bối cảnh tuyển sinh lớp 10 công lập ngày càng cạnh tranh, học phí các trường tư thục quá cao so với thu nhập của đa số phụ huynh.
Với học sinh trung bình, tâm lý chung của các trường đều không muốn cho các em này tham gia kỳ thi tuyển lớp 10 do khả năng đỗ không cao. Nhóm này chịu nhiều áp lực nhất, trong đó nhẹ nhàng là "động viên" nghỉ học, đi học nghề hay xin học tư thục; gắt hơn là đem chuyện "xét tốt nghiệp THCS" ra làm điều kiện thỏa thuận: nếu đồng ý thì trường cho tốt nghiệp, nếu vẫn ngoan cố đòi thi thì có thể không được công nhận.
Gay gắt hơn nữa là buộc phụ huynh phải viết "đơn xin tự nguyện cho con không thi lớp 10" như ở trường THCS Nguyễn Văn Bứa - Hóc Môn, TP.HCM diễn ra cách đây ít tuần.
Hiệu trưởng một trường THCS quận Hoàng Mai, Hà Nội thừa nhận, việc vận động học sinh bỏ thi vào lớp 10 chứng minh thực tế ngành giáo dục còn nặng thành tích. Dù không phải chỉ tiêu xếp loại thi đua năm học nhưng đôi khi, tỷ lệ các em đỗ vào công lập là “bộ mặt” và thước đo chất lượng để phụ huynh, xã hội nhìn vào.
Chính hiệu trưởng này cũng chia sẻ, không thể lí giải về hiện tượng vận động học sinh bỏ thi và tìm ra được giải pháp trong việc này. "Cả ban giám hiệu, Phòng GD&ĐT và các cấp quản lý giáo dục cao hơn đều phần nào đó căn cứ vào tỷ lễ đỗ trượt này để đánh giá quá trình 4 năm học sinh học tập, thầy cô giảng dạy ra sao, trường nhiều học sinh trượt thì đương nhiên không thể khen chất lượng dạy học tốt. Do vậy, các trường đều lo lắng và tự tìm đường "đi đêm", lách quy định để giải quyết vấn đề này", vị này chia sẻ.
Theo cô Lê Thị Thuý Lan, giáo viên dạy trường THCS ở Nghệ An, sau mỗi kỳ thi vào lớp 10 công lập, điểm trung bình của từng trường sẽ được Phòng Giáo dục thống kê. Dù không phải là tiêu chí đánh giá chính thức, các trường vẫn bị nhắc nhở và được yêu cầu xây dựng kế hoạch cải thiện nếu có kết quả kém. Lớp nào, trường nào càng nhiều học sinh kém dự thi, điểm trung bình càng dễ bị kéo xuống, dẫn đến thành tích thấp.
"Nói là lưu hành nội bộ, nhưng bằng cách nào đó, các thống kê này vẫn được lan truyền ra ngoài. Do đó, thứ hạng thấp sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của trường, ảnh hưởng tỷ lệ tuyển sinh lớp 6 đầu vào", cô nói và cho rằng, với áp lực đó, các trường sẽ mong muốn giảm được càng nhiều học sinh kém dự thi càng tốt.
Chưa có hiệu trưởng, giáo viên nào bị xử lý nghiêm liên quan việc "vận động" học sinh yếu bỏ thi lớp 10. (Ảnh minh hoạ)
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, đi học, được thi là quyền của học sinh, các em tốt nghiệp trung học cơ sở được tự do lựa chọn trường.
"Quyền đi học là quyền của trẻ em, nếu ai làm trái là vi phạm pháp luật. Trong vụ việc trên, giáo viên là người quản lý trực tiếp học sinh nhưng hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm", ông nói. Hiệu trưởng các trường THCS phải đảm bảo nhà trường không xảy ra việc "ép" học sinh yếu, kém không được thi vào lớp 10. Để xảy ra vụ việc, đồng nghĩa nhà trường quản lý không tốt, cần phải xử lý nghiêm minh việc thiếu tính nhân văn này.
TS Tùng Lâm cho hay, nơi nào xảy ra tình trạng trên là nhà trường đã vi phạm quyền bảo vệ trẻ em, vì vậy cần phải nâng nhận thức của cán bộ, giáo viên trong trường.
Sứ mệnh của người thầy là phải giúp học sinh phát triển, chứ không phải ngăn cấm, nếu không các em sẽ luôn là người thất bại, thiếu sự tự tin. "Mỗi thầy cô giáo phải động viên khuyến khích học sinh học tập, không phải ngăn cản bước phát triển của học sinh. Căn bản của giáo dục hiện đại là phải phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi đứa trẻ và phải giúp chúng tự quyết định tương lai của các em", vị này chia sẻ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, ngành giáo dục thủ đô không đưa kết quả thi tuyển vào lớp 10 trường công lập vào tiêu chí thi đua. Chủ trương của thành phố là bảo đảm quyền lợi học tập và dự thi của mọi học sinh theo nguyện vọng.
Việc đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. "Sở nghiêm cấm các hành vi vận động, ép buộc học sinh không đăng ký dự thi dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời sẽ tiếp tục rà soát, nắm bắt thông tin và xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm", ông Cương khẳng định.
Bộ GD&ĐT hứa "xử lý nghiêm"
Cùng thời điểm này năm ngoái, dư luận cũng "dậy sóng" khi một số phụ huynh có con học tại Cầu Giấy (Hà Nội) phản ánh học sinh học lực "kém" bị ép cam kết không thi vào lớp 10, hoặc phải chuyển trường cho con.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm nếu có. Trong thông báo này, Bộ cũng công khai số điện thoại đường dây nóng và email kêu gọi người dân lên tiếng phản ánh và hứa sẽ xử lý nghiêm nếu có hiện tượng ép học sinh có học lực không tốt không được dự thi vào lớp 10.
Sau một thời gian, đại diện Bộ GD&ĐT dẫn báo cáo của địa phương nói "không có" việc cấm học sinh thi vào lớp 10 như dư luận phản ánh, tất cả chỉ là hiểm nhầm. Bộ GD&ĐT cũng không hề công bố kết quả tiếp nhận phản ánh của người dân về thực trạng này thông qua số điện thoại đường dây nóng và email ra sao.