Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cần thay đổi thói quen đặt đồ ăn online để giảm rác thải nhựa ra môi trường

(VTC News) -

Xu hướng gọi đồ ăn trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19 làm gia tăng chóng mặt lượng rác thải nhựa, tạo áp lực nặng nề đến môi trường toàn cầu.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Lượng chất thải nhựa và túi nilon hiện tại chiếm khoảng từ 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng từ 11 - 12% trong số đó được xử lý tái chế. Số còn lại chủ yếu được chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Vậy đâu là giải pháp để xử lý rác thải nhựa thông minh và hiệu quả.

Thời gian qua, Hộp thư Giảm thiểu ô nhiễm bảo vệ môi trường và Hành động của bạn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của quý vị thính giả trên cả nước về vấn đề này. Thông qua đường dây nóng 0243 773 8989, chương trình nhận được câu hỏi của thính giả Hoàng Hà ở tỉnh Bình Dương.

"Xin chào chương trình, mình là một nhân viên văn phòng. Do công việc bận rộn, thời gian cũng eo hẹp nên mình thường xuyên sử dụng những món đồ ăn sẵn hoặc đặt đồ ăn online. Sau một thời gian, mình cảm thấy do thói quen này mà mình đang xả ra một lượng lớn rác thải nhựa, đặc biệt là những loại nhựa dùng một lần. 

Mình đang rất muốn thay đổi thói quen này nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Mong chương trình có thể gợi ý cho mình những bước đầu để có thể sống xanh hơn được không ạ? Mình cảm ơn chương trình rất nhiều".

Xu hướng gọi đồ ăn trực tuyến nở rộ trong giai đoạn dịch COVID-19 đang tạo ra một hệ lụy lớn, đó là gia tăng chóng mặt lượng rác thải nhựa. Với mỗi suất thực phẩm/bữa ăn, các chủ nhà hàng sẽ đựng trong các loại hộp nhựa dày hoặc thêm túi nilon để thêm chắc chắn, đảm bảo đồ ăn không bị rơi ra ngoài trong quá trình vận chuyển. Việc này có thể tạo ra sự tiện lợi trước mắt nhưng lại bỏ qua những nguy cơ lâu dài cho môi trường.

Theo các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam thải ra trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa chỉ riêng trong năm 2018. Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác (ve chai, đồng nát), và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ 1.

Theo cảnh báo của chuyên gia, rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương. Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, trong giai đoạn cách ly xã hội, 75% người dân sống ở Hà Nội và Sài Gòn sử dụng dịch vụ mua đồ ăn online giao đến tận nhà. Để góp phần giảm gánh nặng rác thải cho môi trường, mỗi người dân, người tiêu dùng cần phải ý thức được việc sử dụng các đồ nhựa, đồ dùng một lần hàng ngày của mình. 

Với câu hỏi trên của thính giả Hoàng Hà, chính bạn cũng thấy được rằng thói quen sử dụng đồ ăn sẵn hoặc đặt đồ ăn thông qua các nền tảng trực tuyến có thể xả lượng rác thải nhựa lớn ra môi trường. Do vậy, để bắt đầu cuộc hành trình sống xanh, bạn cần thay đổi thói quen này đầu tiên, sau đó tiến tới giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.

Như vậy, gợi ý mà chương trình đưa ra cho bạn đó là thay vì dùng đồ nhựa 1 lần, bạn có thể dùng đồ dùng được nhiều lần, đồ có nguồn gốc từ thiên nhiên như tre, sậy, lá chuối để thay thế cho đồ nhựa. Mang theo túi đựng khi mua sắm thay vì sử dụng túi nilon. Mang theo bình nước cá nhân để giảm tải cốc thải nhựa dùng một lần. Nếu có thể thì dùng hộp chứa dùng lại để đựng thức ăn.

Đối với túi nilon, trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thì chọn các loại túi dùng nhiều lần và có khả năng phân huỷ sinh học. Không nên dùng túi nilon rẻ tiền, có màu để đựng thực phẩm, đặc biệt là không được dùng để đựng thực phẩm nóng, có vị chua. Sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi nilon để công ty môi trường thu gom và tiêu huỷ theo quy định.

Trong sinh hoạt hàng ngày, nên hạn chế các loại hộp nhựa. Các loại hộp thủy tinh, kim loại có thể được sử dụng thay thế hộp nhựa để đựng các loại hạt, gia vị, thức ăn và kể cả xà phòng, sữa tắm, bột giặt, nước rửa chén.

Tuy nhiên, không nên vội vứt hết các loại hộp nhựa đang sử dụng. Bạn có thể tiếp tục sử dụng nếu còn tốt và chỉ thay thế dần khi không còn sử dụng được nữa để tránh lãng phí.

Để hạn chế các loại bao bì, nếu mua những loại thực phẩm được đóng gói sẵn, bạn không nên mua lẻ tẻ mà nên cân nhắc mua với số lượng lớn. Bạn cũng có thể mang theo hộp thủy tinh để đựng các loại thực phẩm tại chợ. Tuy nhiên, cần cân nhắc về số lượng trước khi mua để tránh quá tải và lãng phí.

Bạn cũng nên lựa chọn những sản phẩm có thể tái sử dụng được, ví dụ như chai nhựa trong, lọ đựng dầu gội đầu, hộp sữa chua, đồ chơi và hộp đựng thực phẩm có khả năng tái chế cao hơn.Trong khi đó, dao, thìa, nĩa nhựa, cuộn màng bọc thức ăn, cốc nhựa đựng cà phê và nắp đậy thường chỉ dùng được một lần và khả năng để tái chế rất thấp. Vì vậy, cần hạn chế mua và sử dụng các sản phẩm này.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tự làm các sản phẩm vệ sinh đơn giản để hạn chế sử dụng các sản phẩm được đóng gói trong chai nhựa và có chứa các hạt vi nhựa, ví dụ như kem đánh răng, tinh dầu, xà phòng...

Việc thay đổi thói quen có thể gây ra những bất tiện ban đầu, nhưng về lâu dài sẽ góp phần to lớn trong hành trình loại bỏ rác thải nhựa, bảo vệ môi trường trên toàn cầu. 

Bảo Anh

Tin mới