Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin họp bàn với bộ trưởng quốc phòng các nước đồng minh tại căn cứ không quân Ramstein của Đức để đưa ra các kế hoạch dài hạn về cung cấp cho Ukraine và xây dựng lại kho dự trữ vũ khí của những nước này.
Theo dự kiến, cuộc họp nhóm liên lạc Ukraine gồm 50 quốc gia đang hỗ trợ cho Kiev sẽ diễn ra cuối tháng này. "Cuộc họp sẽ thảo luận về cách các căn cứ công nghiệp quốc phòng có thể trang bị tốt nhất cho các lực lượng tương lai của Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói.
Phương Tây tăng tốc sản xuất vũ khí sau khi kho vũ khí dự trữ cạn kiệt do viện trợ Ukraine. (Ảnh: EPA)
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bill LaPlante, cuộc họp sẽ diễn ra tại Brussels vào ngày 28/9. Ông Bill LaPlante cho biết, mục tiêu là xác định "cách chúng tôi có thể tiếp tục làm việc cùng nhau để tăng cường sản xuất các năng lực chính và giải quyết các vấn đề của chuỗi cung ứng cũng như tăng khả năng tương tác và thay thế các hệ thống".
Không phải tất cả các nước NATO đều sở hữu vũ khí giống nhau, nhưng vũ khí của họ tương thích với nhau. Vì vậy, đạn dược được sản xuất tại một quốc gia trong liên minh quân sự này có thể được sử dụng bởi quốc gia khác.
Khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, quân đội Ukraine chủ yếu sử dụng vũ khí và đạn dược phù hợp với tiêu chuẩn của Nga. Thế nhưng, trong vòng vài tháng, những thứ đó đã cạn kiệt - đặc biệt là trong các hệ thống pháo và tên lửa quan trọng. Do đó, Kiev ngày càng phụ thuộc vào các nước phương Tây với vũ khí tiêu chuẩn của NATO.
Nhưng điều đó đã làm tiêu hao một lượng lớn đạn dược mà các thành viên NATO vốn cất giữ để phòng vệ. Việc lấp đầy những vú khí thiếu hụt giờ đây là rất quan trọng.
Hồi tháng 7, Liên minh châu Âu (EU) công bố gói viện trợ 500 triệu euro cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ưu tiên sẽ là các hệ thống tên lửa phòng không và thiết giáp, cùng các loại đạn và pháo 155mm.
Ủy viên châu Âu Thierry Breton cho biết các nước EU "đã thu hút dự trữ đạn dược, pháo hạng nhẹ và hạng nặng, hệ thống phòng không và chống tăng, thậm chí cả xe tăng". Ông cảnh báo: “Điều này đã tạo ra một lỗ hổng trên thực tế mà bây giờ cần phải được giải quyết khẩn cấp".
Mỹ là nhà cung cấp quốc phòng chính của Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát. Washington cam kết trang bị vũ khí trị giá 15,2 tỷ USD, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, pháo và đạn dược tương thích với vũ khí của NATO.
Lầu Năm Góc đã cung cấp khoảng 800.000 viên đạn pháo 155mm cho Ukraine, trong khi Mỹ chỉ có một nhà máy sản xuất loại đạn này. Nhà máy General Dynamics ở Scranton, Pennsylvania chỉ sản xuất 14.000 viên đạn mỗi tháng.
Thứ trưởng Quốc phòng LaPlante cho biết: “Lầu Năm Góc có kế hoạch... đạt mức tăng dần lên tới 36.000 viên đạn mỗi tháng trong khoảng ba năm". Lầu Năm Góc cũng muốn các đồng minh tăng cường dây chuyền sản xuất của riêng để giúp bổ sung kho dự trữ.
Quân đội Mỹ gần đây đã công bố một loạt hợp đồng mới với các nhà sản xuất vũ khí trong và ngoài nước Mỹ để thực hiện mục tiêu này. Theo đó, thỏa thuận này bao gồm 364 triệu USD cho 250.000 viên đạn pháo 155mm từ nhiều nhà sản xuất, 624 triệu USD cho tên lửa phòng không Stinger, 324 triệu USD cho tên lửa chống tăng Javelin và hàng triệu USD khác cho các hệ thống vũ khí, đạn dược khác.
Moskva nhiều lần chỉ trích việc phương Tây giao vũ khí cho Kiev, nhấn mạnh điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột và đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.