Cầu Đuống (Hà Nội) được người Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19, thông xe vào năm 1902. Cầu lúc đó có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ. Đặc biệt trụ chính đỡ nhịp giữa cầu có thể xoay được, giúp tàu bè qua lại. Trong chiến tranh, cầu đã hư hỏng nặng, chỉ còn lại những mố cầu ở hai đầu. Sau chiến tranh, cầu được xây lại ở vị trí cũ và thông xe vào năm 1981, không còn các trụ số 2 và 4. Cầu chỉ còn 3 trụ để tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại.
Đây là cây cầu huyết mạch nối quận Long Biên với huyện Gia Lâm, có chiều dài 225m và đường sắt ở chính giữa. Cầu có độ cao không nhỏ - khoảng 2,8m, bề rộng thông thuyền khoảng 26m.
Lần tu bổ lớn gần đây nhất được thực hiện vào năm 2010 để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.
Dù được bảo trì thường xuyên nhưng do lưu lượng xe đi lại lớn và thời gian xây dựng đã lâu nên cầu bị xuống cấp trầm trọng.
Tại một số vị trí của những cột trụ còn lộ rõ cả lõi sắt.
Phần trụ cầu lộ rõ lớp bê tông cốt thép.
Chị Phạm Thị Thu (trú tại Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Việc di chuyển qua cây cầu gặp nhiều khó khăn khi mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà, vết nứt toác ngang đường. Hy vọng cầu Đuống sẽ sớm được xây mới để người dân đi lại bớt khó khăn hơn".
Theo tờ trình của Ban Quản lý Dự án 6, dự án sẽ đầu tư xây dựng mới cầu đường sắt Đuống về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5 m và xây dựng mới cầu đường bộ theo quy hoạch để tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt. Trong đó, khổ thông thuyền cầu đường bộ cấp II (rộng 50m, cao 9,5m), khổ thông thuyền đường sắt cấp II hạn chế tĩnh không (rộng 50m, cao 7m). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,793 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025.
Theo kế hoạch, dự án cũng xây dựng cầu Đuống đường bộ có điểm đầu tại vị trí nút giao khu vực chân cầu Đuống hiện hữu trên đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên), điểm cuối tại khu vực nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu (huyện Gia Lâm). Tim cầu Đuống đường bộ cách tim cầu hiện hữu khoảng 100m về phía hạ lưu
Ông Thái Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 6 cho biết, trong cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, chi phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã chiếm gần 50% (776,2 tỷ đồng). Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được tách thành tiểu dự án và giao cho UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện. ”Để triển khai dự án này, các vấn đề về kỹ thuật hoàn toàn xử lý được nhưng khó khăn nhất sẽ là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Chúng tôi kiến nghị, sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, chính quyền và các cơ quan liên quan của TP Hà Nội sớm vào cuộc hỗ trợ đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án”, ông Tuấn nói.