Cỗ xe của thần Mặt trời
Nổi bật ở trung tâm của quần thể, Thần mặt trời Helios là sáng tạo độc nhất vô nhị trên toàn thế giới. Thần Mặt trời điều khiển cỗ xe được kéo bởi 5 chiến mã oai phong. Nhìn từ xa, người xem có cảm giác vó ngựa đang đạp sóng, tung bay để vọt lên phía trước. Nhờ sự kết hợp tinh tế này, cụm tượng vốn tĩnh lại bao hàm cả yếu tố động rất đặc biệt.
Ông Marinelli Federic Cosimo – CEO của Frilli Gallery cho hay: Ngay từ khi bắt đầu, Frilli chế tác ra một mô hình có một không hai cho tác phẩm này. Những con ngựa được “đặt hàng” riêng với Susan Leyland – nghệ sỹ, chuyên gia người Anh hàng đầu thế giới về giải phẫu và điêu khắc ngựa. Susan đã tạo ra mô hình thu nhỏ cho các chiến mã. Mô hình này sau đó được quét 3D trước khi phóng to như kích thước thật và in 3D bằng polystyrene để làm thành khuôn silicone. Tiếp đến, khuôn được phủ sáp và được sử dụng để đúc ra thành phẩm.
Theo thần thoại Hy Lạp, ngày ngày, cỗ xe của thần Mặt trời đi lên từ biển Đông và lặn xuống ở biển Tây mang theo ánh sáng – khởi nguồn của sự sống vĩnh hằng.
Thần rượu vang Bacchus – từ nguyên mẫu của thiên tài Michelangelo
Năm 1496, quá ấn tượng với khả năng điêu khắc thiên tài của Michelangelo, Đức Hồng Y Raffaele Riario đã mời ông tới Rome và ủy thác cho ông tạc bức tượng của vị thần rượu vang La Mã Bacchus.
Mất đúng 1 năm, Michelangelo mới hoàn thành tác phẩm này. Với chất liệu đá cẩm thạch, bức tượng có kích thước lớn hơn người thật, khắc họa hình ảnh thần Bacchus trong tư thế khỏa thân, tay phải cầm chén rượu. Ngay phía sau, một thiên thần nhỏ đang ăn những trái nho trượt ra từ tay trái của thần.
Điểm đặc biệt là Bacchus cũng là tác phẩm đầu tiên của Michelangelo tại Rome. Tác phẩm thể hiện góc nhìn rất… con người về thần tích. Vị thần của rượu vang, nông nghiệp – người truyền cảm hứng tạo ra các nghi lễ, carnival, khả năng sinh tồn và tăng trưởng hiện lên một cách gần gũi, rất có hồn, khác với hầu hết các tác phẩm khắc họa thần Bacchus trước và sau đó.
Từ nguyên mẫu có một không hai này, ở một xứ sở quanh năm rộn ràng trong hoa và lễ hội, gia tộc điêu khắc lừng danh thế giới Frilli Gallery đã chuyển thể và đưa vị thần rượu nho trong cơn say nồng xuất hiện tại đỉnh Bà Nà, Đà Nẵng.
Vẫn đôi mắt nhìn đăm đăm vào chén rượu đầy, vẫn bàn chân chênh vênh trên mỏm đá như còn chuếnh choáng hơi men, nhưng thần Bacchus tại Việt Nam khoác lên mình “màu áo” vàng son – thứ màu đặc biệt, riêng có lần đầu tiên được Frilli Gallery sử dụng. Thần Bacchus của thiên tài Michelangelo như bắt đầu một “hành trình” mới tại Việt Nam, tượng trưng cho nét nghệ thuật Phục Hưng đỉnh cao của nhân loại.
Apollo Belvedere – nét vàng son từ quá khứ
Apollo – vị thần Ánh sáng là hiện thân của khả năng xua đuổi và tránh né tai ương, đồng thời đại diện cho sự hài hòa, trật tự và lý trí.
Và nếu như Bacchus của Michelangelo là tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ Phục Hưng tại Châu Âu thì Apollo Belvedere lại lấy nguyên mẫu từ thời đại xa xưa hơn rất nhiều. Theo các nhà sử học, Apollo phiên bản gốc được chế tác vào khoảng năm 120-140 sau Công nguyên dưới triều đại Hadrianic của đế quốc La Mã. Đây cũng được coi là công trình điêu khắc cổ đại vĩ đại và được ngưỡng mộ nhất.
Trong nhiều thế kỷ, đó là hình ảnh thu nhỏ của lý tưởng hoàn thiện thẩm mỹ của phương Tây nói riêng và thế giới nói chung. Nhà khảo cổ và sử học người Đức Johann Joachim Winckelmann thậm chí cho rằng: Tác phẩm là một ví dụ điển hình nhất cho sự hoàn hảo của lý tưởng thẩm mỹ Hy Lạp, đồng thời mở đầu cho chủ nghĩa tân cổ điển tại Phương Tây vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Nữ thần Venus Fiorenza và Venus Kallipigos
Một trong những điểm nổi bật của quần thể tượng là sự xuất hiện của 7 vị nữ thần sắc đẹp mô phỏng các bức tượng nổi tiếng trên toàn thế giới, bao quanh thần mặt trời Helios: Venus de Medici đưa tay che khẽ bầu ngực, hiện đang được lưu giữ tại Florence; Venus Frejus khoác một tấm áo choàng mỏng và chỉ lộ một bầu ngực; Venus đang tắm của Christophe - Gabriel Allegrain đang được đặt tại Bảo tàng Louvre, Pháp; Venus Kallipygos – Vệ nữ đang ngắm nhìn bờ hông của chính mình – đang được đặt tại Bảo tàng Khảo cổ quốc gia Italia…
Nổi bật trong cụm tượng nữ thần, Venus Fiorenza xõa mái tóc dài tuyệt đẹp, chân đặt trên một chiếc bình gốm, kể cho du khách nghe câu chuyện lãng mạn và kỳ thú về nữ thần sắc đẹp. Nét đẹp về hình thể được nghệ sĩ điêu khắc kiệt xuất người Ý Giambologna khắc họa lại trong những đường cong tinh tế, trở thành biểu tượng đỉnh cao của cái đẹp.
Theo Frilli Gallery, Venus Fiorenza tái hiện lại hành trình Venus được sinh ta từ bọt biển. Câu chuyện kể rằng, Thần Uranus có một người con trai tên là Cronus dám lật đổ cha mình, và đã ném một phần máu thịt của ông xuống biển. Điều này khiến nước biển được thụ tinh và vì vậy Thần Vệ nữ được ra đời. Sau khi sinh ra, cô đã lên bờ trên một chiếc vỏ sò, được đẩy đi nhờ hơi thở của Zephyrus, vị thần của gió tây.
Cũng giống như hầu hết các cụm tượng khác tại Bà Nà, Venus Fiorenza là đại diện “đỉnh cao” khi được coi là tác phẩm điêu khắc đẹp nhất bằng đồng thế kỷ 16.
Cùng khắc họa thần vệ nữ, nhưng Venus Kallipygos lại mang trong mình những “nội hàm” văn hóa khác. Được lấy nguyên mẫu từ một pho tượng cẩm thạch có từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên, Venus Kallipygos có nghĩa là “Thần Vệ nữ với vòng ba đẹp nhất”. Đây là bức tượng đặc biệt được ngưỡng mộ tại Hy Lạp và có hàng trăm bản sao chép được trưng bày trên khắp thế giới.
Với đầu óc duy mỹ và cởi mở, tác giả đã khắc họa một người phụ nữ khoác áo hờ hững như vừa bước ra khỏi bồn tắm và nhìn lại hình ảnh phản chiếu của mình trên mặt nước. Vẻ đẹp của nàng vừa gần gũi lại vừa có nét thanh nhã, thoát tục khó nắm bắt.
“Với việc mang tinh hoa nước Ý tới Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng Đà Nẵng và Bà Nà Hills sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn và trở thành biểu tượng mới cho du lịch Việt Nam, một điểm đến không thể bỏ qua cho khác du lịch khắp toàn cầu”, CEO của Frilli Gallery nhấn mạnh.