Nhiều trạm y tế ở Gia Lai xuống cấp trầm trọng.
Trạm Y tế xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2000. Trạm được xây trên diện tích 187 m2 với các hạng mục: nhà làm việc, khu vệ sinh, cổng, hàng rào, sân bê-tông. Đến nay, tường nhà làm việc trạm y tế này xuất hiện nhiều vết rạn nứt, sơn bong tróc và thấm nước vào mùa mưa.
Bà Phạm Thị Minh, nhân viên Trạm Y tế xã Nghĩa Hưng cho biết mái tôn của trạm đã mục, khi mưa thì nước chảy thẳng vào nhà. Ngoài ra, hệ thống điện của trạm đã bị hư hỏng sau nhiều lần sửa chữa, đơn vị phải mắc đường dây và lắp bóng đèn trên ô thông gió tại khu nhà làm việc.
Ông Đinh Văn Tứ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Hưng, cho biết trạm y tế xã phục vụ khoảng 10.000 người dân, cơ sở xuống cấp đã ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. “Mong các cơ quan chức năng có biện pháp sớm sửa chữa, xây dựng trạm y tế để thực hiện tốt công tác chuyên môn, góp phần tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên”, ông Tứ chia sẻ.
Trạm Y tế xã Ia Phí, huyện Chư Pah được xây dựng từ 17 năm trước, trên diện tích khoảng 130 m2. Ghi nhận thực tế cho thấy nhiều mảng trần nhựa bị hư hỏng, bong tróc. Bệnh nhân phải nằm điều trị trong phòng có tường bị thấm nước, nấm mốc bám loang lổ.
Ông Rơ Châm Ker, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Phí cho biết, mưa xuống, trần nhà thấm dột nước. Mùa nắng, Trạm thiếu nước sinh hoạt. Hàng ngày, các y bác sĩ của trạm và bệnh nhân luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ trần nhà bị mục rơi trúng.
Tường phòng khám bị nứt, mối mọt, hoen ố từng mảng lớn.
Ông Rơ Châm Laoh, Chủ tịch UBND xã Ia Phí cho biết địa bàn nơi đây nằm khá xa so với Trung tâm Y tế huyện nên nhiều người dân đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh. Song, do trạm y tế xã đã xuống cấp, nhiều phòng chức năng phải gộp lại với nhau khiến cho việc khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, trạm y tế đã được tu bổ nhiều lần nhưng do không đồng bộ dẫn đến tình trạng chắp vá, xập xệ, không đáp ứng được chuyên môn.
Cùng chung cảnh ngộ, Trạm Y tế xã Dun, huyện Chư Sê được xây dựng từ năm 1994. Sau gần 30 năm sử dụng, lớp sơn đã bong trốc, la phông hoen rỉ, nền xi măng nứt nẻ. Mùa khô thì nắng nóng vô cùng, còn mùa mưa thì Trạm thường bị thấm dột, nước từ bên ngoài tràn vào.
Những mảng tường phai màu, ẩm thấp. Nền nhà của một số phòng mọc rêu xanh rờn.
5 cán bộ ở trạm y tế xã Dun đang phải sử dụng nguồn nước từ giếng đào 20 m. Vào mùa khô, giếng nước cạn, các nhân viên phải đi xách nước từ nhà dân quanh trạm để sử dụng.
Tương tự, tại huyện Đức Cơ, 4 trạm y tế ở các xã Ia Pnôn, Ia Dơk, Ia Lang và thị trấn Chư Ty được đưa vào sử dụng từ năm 2009-2010 hiện cũng đã xuống cấp. Các trang thiết bị y tế ở 4 trạm y tế này cũng không đảm bảo để phục vụ khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Theo đánh giá của UBND huyện Đức Cơ, với đặc thù có hơn 45% người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, việc các trạm y tế không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ, buộc phải chuyển lên tuyến trên gây khó khăn rất lớn về kinh phí, thời gian đi lại của người dân.
Cuối năm 2022, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp 59 trạm y tế tuyến xã với tổng kinh phí 130 tỉ đồng. Trong đó, dự kiến xây mới, mua sắm trang thiết bị cho 22 trạm; cải tạo, mở rộng và mua sắm trang thiết bị cho 37 trạm. Ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, cho biết đã trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và nâng cấp 59 trạm y tế. Dự kiến tháng 6 chính thức khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.