Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cận cảnh ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' trưng bày tại bảo tàng tư nhân ở Bắc Ninh

(VTC News) -

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" sau khi hồi hương từ Pháp về Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh).

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.

Sau hơn một năm thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, ngày 18/11, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" đã hồi hương, được chuyển giao cho Bảo tàng Nam Hồng (TP Từ Sơn, Bắc Ninh) thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn của tiến trình lịch sử Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của Nhân dân Việt Nam - Nhà nước Việt Nam mới - Dân chủ cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.

Trong gần 150 năm tồn tại, triều Nguyền có hơn 100 chiếc ấn được tạo tác từ các loại vật liệu quý như vàng, bạc, ngọc, ngà voi, thậm chí cả từ thiên thạch..., nhưng "Hoàng đế chi bảo" vẫn là chiếc ấn có giá trị vượt trội, không chỉ bởi kích thước, chất liệu, tính thẩm mĩ mà còn do sứ mệnh mà nó được giao phó. Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là tên gọi Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841). Ấn cao 10,4cm, nặng 10,78kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7cm.

Về sự kiện đúc chiếc ấn này, sách Đại Nam thực lực (tập 6, bản dịch của Viện Sử học, NXB KHXH, 1963.trang 146) ghi khá rõ: “Ngày Giáp Thìn đúc ấn Hoàng Đế Chi Bảo, nuốm (núm) làm rồng cuốn 2 tổng, vuông 3 tắc 2 phân, dày 5 phân, làm bằng vàng 10 tuổi, nặng 280 lượng 9 đồng 2 phân”. Quy đổi ra hệ thống đo lường hiện nay, ấn được xác định có mặt hình vuông, mỗi cạnh dài 12,8cm, dày 2cm.

Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7kg).

Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của Hoàng đế).

Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài...

Ông Nguyễn Thế Hồng, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, TP Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết, ông cũng như nhiều người sưu tầm đồ cổ rất vui khi nhận được các cơ quan, ban ngành hỗ trợ ông và Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng sở hữu ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và hồi hương về Việt Nam an toàn.

“Là người Việt Nam, chúng tôi luôn tự hào về các Di sản Văn hóa của dân tộc mình và có trách nhiệm gìn giữ bảo vệ, phát huy giá trị của Di sản. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay, tôi hy vọng ngoài Ấn vàng Hoàng đế chi bảo, sẽ còn nhiều Di sản quý báu khác tiếp tục được hồi hương về Việt Nam, ngày càng làm giàu thêm cho kho tàng Di sản của dân tộc", ông Hồng cho biết thêm.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - một bảo vật mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và chính trị của đất nước.

"Đây là dấu mốc lịch sử của ngành di sản văn hóa khi lần đầu tiên đàm phán thành công để hồi hương di sản cho đất nước. Điều này rất quan trọng và cũng là tiền đề giúp Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế trong vấn đề hồi hương cổ vật trong tương lai", ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Cũng theo ông Đáp, trước mắt, ấn vàng khi về Việt Nam sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Tỉnh Bắc Ninh sẽ sớm đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia đối với cổ vật này và đề nghị chủ sở hữu hiện vật có chế độ bảo quản đặc biệt cho ấn vàng.

Ngoài ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng còn trưng bày nhiều cổ vật như Bình vôi vàng thời vua Mạc Mậu Hợp thời kỳ Sùng Khang năm 1566 – 1577, Bảo vật quốc gia Thạp đồng văn hóa Đông Sơn.

Bộ sưu tập đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn cũng được trưng bày ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.

Bộ sưu tập gốm Việt Nam qua các thời kỳ như thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cũng được chủ nhân sưu tầm và trưng bày.

Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, Bắc Ninh đang sở hữu và lưu giữ khoảng 5.000 hiện vật có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.

Các hiện vật được chia thành 6 bộ sưu tập gồm: Bộ sưu tập đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn; bộ sưu tập gốm Việt Nam qua các thời kỳ như thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... ; bộ sưu tập đồ sứ (bát, đĩa, ấm chén, khay đựng đồ, chum, thống)... ; bộ sưu tập hiện vật là các đồ gỗ dùng của các gia đình vua chúa, quan lại, địa chủ thời phong kiến của Việt Nam; bộ sưu tập được chế tác từ ngà voi; bộ sưu tập đồng hồ gồm các đồng hồ với nhiều kiểu dáng khác nhau được sản xuất từ thế kỷ XIX, XX có xuất xứ từ Pháp, Đức.

Văn Chương

Tin mới