Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cần bổ sung việc bồi thường cho người tiêu dùng do hàng hóa kém chất lượng

(VTC News) -

Theo ĐBQH, ngoài bồi thường thiệt hại sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, cần bổ sung trách nhiệm bồi thường đối với hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

Chiều 10/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Phải thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật

Góp ý về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật tại Điều 33 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cơ bản nhất trí việc dự thảo luật chia sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thành 2 nhóm là nhóm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng và nhóm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, trên cơ sở này quy định mức độ trách nhiệm tương ứng của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thu hồi đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú

Tuy nhiên, để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.

Theo đó, đối với hàng hóa, sản phẩm có khuyết tật nhóm B liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, bên cạnh việc quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thông báo trên báo, đài như tại điểm b khoản 3, Điều 33 thì cần bổ sung quy định thêm trách nhiệm thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật vào việc thu hồi tại các địa điểm kinh doanh và trang thông tin điện tử hoặc các hình thức tương đương khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh cho đến khi kết thúc việc thu hồi.

Đối với sản phẩm hàng hóa có khuyết tật nhóm A, dự thảo Luật mới quy định trách nhiệm thông báo và việc thu hồi sản phẩm hàng hóa đó. Ngoài nội dung này, để kịp thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 33 trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, đại biểu Tú cho rằng Điều 34 dự thảo Luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

Đại biểu viện dẫn Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự và thống nhất ngay trong dự thảo luật, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Điều 34 quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Xác định rõ người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị làm rõ nội hàm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tiêu chí xác định nhóm đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương để bao quát hết đối tượng và có chính sách phù hợp với đối tượng này.

Tại khoản 1, Điều 7 của dự án Luật xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Đại biểu Trần Văn Tuấn

Đại biểu Tuấn cho rằng quy định trên chưa rõ, chưa bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu. Thực tế, ngoài sự bất lợi cho sức khỏe, tài sản, người tiêu còn dễ bị tổn thương, có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác như bất lợi về danh dự, bất lợi về tinh thần.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, bổ sung đầy đủ, bảo đảm bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu ngoài sự bất lợi về sức khỏe và bất lợi về tài sản.

Cũng tại khoản 1, Điều 7 xác định có 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương gồm: người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em theo quy định của pháp luật trẻ em; người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; phụ nữ mang thai; phụ nữ sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; người bị bệnh hiểm nghèo.

Theo đại biểu Tuấn, việc dự thảo Luật xác định 5 nhóm đối tượng trên chủ yếu mang tính liệt kê, chưa thể hiện rõ dựa trên tiêu chí nào, cơ sở nào để xác định, vì thế có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng, không có chính sách, biện pháp phù hợp để bảo vệ những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể.

Đại biểu đề nghị thay vì liệt kê các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể thì dự thảo Luật cần xác định rõ những tiêu chí, trong đó có 4 tiêu chí cơ bản là tiêu chí về nhận thức, hiểu biết; tiêu chí về sức khỏe; tiêu chí về điều kiện kinh tế; và tiêu chí về điều kiện nơi sinh sống. Trên cơ sở đó, quy định 4 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và 4 nhóm này cũng chỉ có tính định hướng chung, bao gồm: nhóm những người có nhận thức, hiểu biết, hạn chế; nhóm người bị bệnh tật, khuyết tật; nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp; nhóm những người sinh sống ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội nhiều khó khăn.

Đồng thời, cần có quy định về các biện pháp có tính đặc thù nhằm bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, từ đó Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cũng như những biện pháp bảo vệ quyền lợi đối với nhóm đối tượng này.

Sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng

Phát biểu giải trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định những ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ giúp Bộ Công Thương làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ trưởng cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu ý kiến theo hướng Dự thảo Luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.

​​​​​​Dự án Luật tập trung nhiều vào việc bảo vệ cá nhân người tiêu dùng; cả những yếu tố là người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam; phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm đến người tiêu dùng là tổ chức, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và rà soát, bổ sung.

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Thứ trưởng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp, ban soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, viện dẫn các quy trình thủ tục của Bộ Luật Tố tụng dân sự để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật; đồng thời sẽ có báo cáo đánh giá tác động với một số nội dung đại biểu đã nêu.

PHẠM DUY

Tin mới