Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cần bổ sung các điều, khoản cho di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa

(VTC News) -

Mục đích sửa đổi lần này nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn.

Ngày 13/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị - Hội thảo xin ý kiến góp ý Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội nghị có sự tham dự của đông đảo đại biểu đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, các chuyên gia, nhà chuyên môn, nhà quản lý… tại các tỉnh, thành phố. 

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9 (ngày 29/6/2001), đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. 

Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), trong đó một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết: "Với nỗ lực và sức đóng góp của toàn xã hội, qua hơn 20 năm thực thi, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được một số thành tựu quan trọng, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quốc tế ghi nhận, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội".

Tuy nhiên, từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến nay, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tiếp tục được ban hành nhằm tăng cường định hướng cho hoạt động văn hóa, trong đó có di sản văn hóa. Do đó, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2023, Bộ VHTTDL đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Hội thảo, hội nghị xin ý kiến góp ý hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Hà Nội Mới.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này gồm 10 chương, 154 điều, tăng 3 chương, 81 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Mục đích sửa đổi lần này nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn.

Từ đó đề xuất chính sách đảm bảo phân định rõ: Các chính sách có tính chất kế thừa; Các chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và phát huy được những giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nhóm vấn đề liên quan đến hệ thống khái niệm và quy trình nhận diện, ghi danh, xếp hạng di sản văn hóa để tiến hành các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị tổng thể di sản văn hóa; quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hoạt động bảo tàng và di sản tư liệu…

Các đại biểu cũng đề cập đến các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ hướng tiếp cận tổng thể; trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương tới địa phương và cơ chế thống nhất về phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; sự cần thiết của cơ chế huy động, thu hút tổng thể các nguồn lực xã hội tích cực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế bảo đảm để các quy định pháp luật về di sản văn hóa được thực thi hiệu quả.

Việc đề nghị đưa di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này nhằm khắc phục những bất cập khi loại hình di sản này chưa được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Kết quả của Hội nghị - Hội thảo sẽ củng cố thêm cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tiếp thu, từng bước hoàn thiện quy định trong từng Điều, Khoản của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội thời gian tới.

Lê Thanh

Tin mới