Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cán bộ, công chức say xỉn rồi lái xe: Nêu gương cho ai?

(VTC News) -

Không ít trường hợp vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan ban ngành, khiến dư luận rất bất bình.

Vậy, vì sao quy định cấm sử dụng rượu bia với cán bộ, công chức trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa không được thực thi nghiêm túc? Vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ra sao?

Nghe thông tin về vụ việc, ngày 24/12 vừa qua, Phó Giám đốc một trung tâm giáo dục thường xuyên ở Vĩnh Phúc vi phạm nồng độ cồn liều lĩnh tông xe khiến chiến sĩ CSGT phải nhảy lên nắp capo để tránh va chạm, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Ngọc Trung cho rằng, đây là hậu quả từ việc uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện gây ra và nó làm méo mó hình ảnh người cán bộ, công chức.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Ngọc Trung: "Khi những hình ảnh đó đưa lên mạng xã hội và truyền thông báo chí thì người dân thấy rằng, đáng lẽ ra những người cán bộ, công chức phải là những người nghiêm chỉnh nhất, chấp hành quy định của Nhà nước tốt nhất thì lại vi phạm như vậy, làm cho hình ảnh của người cán bộ công chức bị méo mó, lệch lạc".

Cán bộ, công chức vẫn uống bia, rượu rồi lái xe, chứng tỏ đây đã trở thành thói quen của họ, thậm chí họ còn "nhờn" luật.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, đã có quy định nghiêm rồi mà cán bộ, công chức vẫn uống bia, rượu rồi lái xe, chứng tỏ đây đã trở thành thói quen của họ, thậm chí họ còn "nhờn" luật. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại:

"Tôi rất e ngại trước những vụ việc đáng tiếc gần đây, lỗi thuộc về những người điều khiển phương tiện mà còn cố tình lái xe, đặc biệt là bộ phận làm trong hệ thống công quyền, cũng chính là những người đáng lẽ phải nêu gương thì lại vi phạm".

"Dịp cuối năm thì tiệc tùng, liên hoan cuối năm rất nhiều nên nhiều cán bộ tranh thủ buổi trưa tham gia liên hoan, rồi còn tham gia giao thông. Điều đó rất nguy hiểm bởi họ không làm chủ được bản thân, mình gặp những trường hợp đó rất nguy hiểm".

"Công chức quản lý còn dễ chứ nhân dân thì quản lý thế nào, rất là khó khăn cho nhân dân. Đề nghị Nhà nước phải có biện pháp, phải đưa vào xử phạt, khen thưởng".

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vẫn còn một bộ phận cán bộ sử dụng rượu bia trong giờ hành chính xuất phát từ ý thức còn chủ quan, họ cho rằng, cùng lắm chỉ bị nhắc nhở chứ không ai xử phạt.

"Quan trọng là nhận thức là uống mà không có ai xử phạt, báo chí cũng không đăng tải xử phạt anh A, chị B uống rượu trong giờ làm việc nên họ thấy nhờn đi dù biết việc mình làm sai. Họ nghĩ là họ uống không bị phát hiện, không có đơn vị, cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử phạt họ cả. Công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt không có hoặc có nhưng chưa mang tính nêu gương", đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, theo TS. Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, trước hết là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không được cả nể, không được xem nhẹ quy định này.

Cùng với đó, từng cơ quan, đơn vị cần nghiêm túc hơn trong việc thực hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó vai trò người đứng đầu nhất thiết phải được đề cao, tránh việc bao che, dung túng.

TS. Ngô Thành Can nhấn mạnh: "Nên tạo trách nhiệm và chịu trách nhiệm với người đứng đầu để họ vừa có trách nhiệm kiểm tra, quản lý với những người trong cơ quan nhưng khi có trường hợp vi phạm thì họ cũng chịu trách nhiệm liên đới. Nên nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ công chức, gần như tạo ra một phong trào để cùng thực hiện tốt quy định".

Phân tích vấn đề này, TS Trần Kiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội nêu quan điểm, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đôi khi cũng gặp khó để xử lý cán bộ của mình bởi họ chỉ có thể xử lý kỷ luật lao động còn chế tài khác thì phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chưa kể là quy trình để xử lý kèm với chế tài rất phức tạp, không thể xử lý được ngay.

"Người đứng đầu khi tiến hành quy trình xử lý cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ hành chính, vi phạm quy định pháp luật, thậm chí gây nên hậu quả, gây tai nạn giao thông thì họ nên có nhận thức đầy đủ về các quy định của pháp luật có liên quan, thậm chí nếu cần nên tham vấn những người am hiểu pháp luật, đặc biệt là Luật Lao động và Luật Cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo quyết định của họ là đúng Luật, đúng quy trình", TS Trần Kiên cho biết.

Để ngăn chặn tình trạng, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường thực thi và các chế tài xử lý. Đồng thời, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng nhằm tạo sức lan tỏa chung trong cộng đồng.

Ý thức về sự bình đẳng trước các chế tài pháp luật.

Hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lái xe khi đã sử dụng đồ uống có cồn gây tai nạn giao thông hoặc chống đối lực lượng thực thi công vụ có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Xuất phát từ niềm tin về một cơ chế được “miễn trừ”, được xí xóa trước pháp luật, là một thứ tập quán không còn phù hợp lại được thừa nhận như một thứ văn hóa. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của người đứng đầu.

Phía dưới những dòng tin về tai nạn, sự cố giao thông do người có chức vụ say xỉn lái xe, không ít bàn luận cho rằng: Chỉ quan chức mới dám uống kiểu đó, chứ người dân lao động ai dám.

Đó là nhận xét không dễ nghe, nhưng có phần sự thật.

Từ lao động cổ cồn đến lao động chân tay, đa phần đều cân nhắc một cách thực dụng, không dại gì bỏ phí cả ngày làm việc hiệu quả của mình chỉ vì cuộc vui quá chén.

Họ cũng không sẵn sàng nộp phạt hàng chục triệu đồng, treo “cần câu cơm” hàng tháng chỉ vì phút ham vui có cồn, trong khi có nhiều cách vui khác, “tiết kiệm” và khỏe hơn.

Họ lại càng không sẵn sàng chấp nhận hậu quả xấu cho bản thân mình và người xung quanh, nếu chẳng may gây tai nạn do uống rượu rồi lái xe.

Đó là khi, họ ý thức về sự bình đẳng trước các chế tài pháp luật.

Nhưng không phải ai cũng ý thức hoặc tin vào sự bình đẳng này. Một bộ phận – thường là người có quyền, có vị trí xã hội, tin rằng mình trong diện được “thông cảm”, được bỏ qua nếu “chú biết anh là ai”.

Ngăn chặn các trường hợp cán bộ, quan chức, viên chức say xỉn khi lái xe, vì thế, nên bắt đầu từ cơ chế hình thành niềm tin nguy hại đó.

Cái gì đã khiến cho các quan chức chức tin rằng, họ có thể được “miễn trừ” trách nhiệm chấp hành phải luật? Phải chăng, đó là thói ảo tưởng quyền lực, thói lạm dụng tín nhiệm của cơ quan, tổ chức đã thành một căn bệnh phổ biến, và lại được ngầm chấp thuận, dung dưỡng?

Phải chăng, đã có sự nhầm lẫn hoặc cố tình đánh tráo giữa quyền lực của nhân dân mà họ được cử đại diện để thực thi, với quyền lực cá nhân?

Những “trát” thông báo xử phạt chưa đến được cơ quan của người vi phạm, hoặc đến mà được cất vào… ngăn kéo?

Cái gì đã khiến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lặp lại vi phạm giao thông - trong đó có những vi phạm nguy hiểm chết người như say xỉn rồi lái xe? Phải chăng, những “trát” thông báo xử phạt chưa đến được cơ quan của người vi phạm, hoặc đến mà được cất vào… ngăn kéo?

Cái gì đã khiến cán bộ, công chức thản nhiên sử dụng bia rượu trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa, bất chấp lệnh cấm đã ban hành từ rất nhiều năm nay, nếu không phải là các cuộc bia rượu đó được hợp thức hóa với danh nghĩa công việc?

Năm nào, cơ quan đơn vị cũng đánh giá công chức viên chức trên các mặt, cũng đánh giá kiểm điểm cán bộ đảng viên. Chưa kể, trước mỗi lần quy hoạch, bổ nhiệm lại, đều có đánh giá.

Hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực công vụ, thiếu gương mẫu về lối sống…không thể không xem xét đến các biểu hiện, hành vi như: bia rượu trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa rồi làm việc trong trạng thái thiếu chuẩn mực, hoặc bia rượu rồi lái xe.

Bản thân người đứng đầu cơ quan đơn vị, không chỉ có thẩm quyền cao nhất trong quản con người, mà văn hóa của họ có ảnh hưởng rất lớn đến cấp dưới.

Tập quán, thói quen sử dụng bia rượu trong giờ nghỉ trưa hoàn toàn có thể thay đổi, nếu người đứng đầu nghĩ khác đi.

Tình trạng bỏ qua hoặc xuê xoa trước vi phạm bia rượu được thông báo về cơ quan, hoàn toàn có thể chấm dứt, nếu người đứng đầu coi đây là sự tổn hại kỷ cương pháp luật, kỷ luật cơ quan và uy tín của đơn vị.

Tình trạng lái xe sau khi đã bia rượu cũng hoàn toàn có thể thay đổi, bắt đầu từ quán triệt của lãnh đạo trước liên hoan, về việc mọi người phải sử dụng phương án giao thông an toàn.

Đã có một số cơ quan nhà nước làm được việc này, trước tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù về an toàn lao động. Nhưng nó cho thấy, đó là việc trong tầm tay mà không cần chờ quy định hoàn thiện.

Và rõ ràng, các lý do về an toàn giao thông, an toàn danh dự của tổ chức, của cá nhân… không hề nhẹ hơn so với chuyện an toàn lao động.

Vấn đề còn lại ở chỗ, người đứng đầu các cơ quan đơn vị có thấy cần thiết tạo ra sự thay đổi đó không. Và họ có bị áp lực để buộc phải tạo ra sự thay đổi đó hay không.

Kiều Tuyết - Nguyễn Yên (VOV Giao thông)

Tin mới