Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội rất nhanh của tỉnh, Cục Hải quan Quảng Bình đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính, trở thành một trong những cơ quan quản lý nhà nước đi đầu trong cải cách, hiện đại hóa trên địa bàn.
Ông Nguyễn An Tình - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình - cho biết những năm gần đây đơn vị đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cán bộ, công chức và cải thiện cơ sở pháp lý… trong điều hành, giải quyết công việc.
Ông Nguyễn An Tình - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình.
Thực hiện đúng phương châm hành động của ngành “chuyên nghiệp – minh bạch – hiệu quả”, Hải quan Quảng Bình tạo mọi điều kiện thuận lợi cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Đơn vị cũng kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn vướng măc phát sinh thông qua đường dây nóng, tích cực tuyên truyền chế độ chính sách mới cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh…
Đáng chú ý, công tác cải cách, hiện đại hóa được Hải quan Quảng Bình thực hiện trên cơ sở gắn với thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng lực lượng hải quan trong sạch, vững mạnh. Theo đó, hàng năm, đơn vị thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, sắp xếp, bố trí lại nguồn nhân lực theo yêu cầu vị trí việc làm.
Kiểm tra hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh để ngăn chặn việc buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ, vàng, kim loại quý, đá quý và hàng hóa qua biên giới tại Cửa khẩu Cha Lo.
Đồng thời tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu công tác cải cách, hiện đại hóa; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Trong đó chú trọng kiểm tra việc thực hiện quy trình thủ tục hải quan, tuyên ngôn phục vụ khách hàng, quy chế hoạt động công vụ và các quy định về kỷ luật, kỷ cương của ngành, đơn vị.
Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trên theo tinh thần vừa phục vụ, vừa quản lý, hiện nay 100% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS).
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Quảng Bình.
Thời gian thông quan giải phóng hàng liên tục được rút ngắn qua từng năm. Cụ thể, năm 2018, tờ khai luồng xanh được hệ thống thông quan trong vòng 3 giây, tờ khai luồng vàng, luồng đỏ, thời gian kiểm tra chi tiết hồ sơ trung bình là 5 phút, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa trung bình 55 phút, tương đương 2017. Tuy nhiên, tổng thời gian tính từ khi tiếp nhận tờ khai đến khi thông quan giải phóng hàng được rút ngắn rất lớn, khoảng 20 giờ đối với hàng nhập khẩu và 13 giờ đối với hàng xuất khẩu thông quan tại cửa khẩu/cảng, rút ngắn 214 giờ đối với hàng nhập khẩu đưa về bảo quản…
Hải quan Quảng Bình cũng đưa vào áp dụng hình thức nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước “mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện”.
Tỷ lệ tờ khai kiểm tra chuyên ngành thực hiện qua cổng thông tin một cửa quốc gia đạt 92%, cơ chế một cửa quốc gia đối với đường hàng không và đường biển cũng đã được triển khai thực hiện thông suốt. Đơn vị cũng đã kết nối và sẵn sàng áp dụng cơ chế một cửa ASEAN khi có hồ sơ phát sinh.
Thời điểm hiện tại 100% thủ tục hành chính tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, cấp độ 4.
Lực lượng Hải quan Quảng Bình phối hợp Bộ đội Biên phòng tuần tra khu vực biên giới.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình cho biết thời gian tới đơn vị tiếp tục rà soát, tập hợp các khó khăn, vướng mắc, bất cập, chồng chéo của hệ thống pháp luật hải quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đồng bộ với các pháp luật khác có liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Duy trì hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tinh hỗ trợ phương pháp quản lý hải quan hiện đại, thực hiện thu ngân sách, bảo lãnh thuế bằng phương thức điện tử nhằm tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Triển khai hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Trong đó đảm bảo hệ thống thông tin được kết nối, truy cập cổng thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời, tiếp tục duy trì tỷ lệ 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, sẵn sàng áp dụng các thủ tục mới của các bộ, ngành thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia khi có phát sinh trên địa bàn.
8 tháng thu ngân sách đạt 65,3% chỉ tiêu
Ông Nguyễn Anh Tình cho biết tính đến 25/8, Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình thu ngân sách được 124,1 tỷ đồng, đạt 65,3% chỉ tiêu, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2018.
Từ giờ đến cuối năm, Hải quan Quảng Bình thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu ngân sách, thu hồi nợ thuế phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao
Cụ thể, tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình thu thuế, xử lý, thu hồi nợ thuế chuyên thu, tạm thu, thực hiện các biện pháp đốc thu, không để phát sinh nợ thuế quá hạn.
Đồng thời phân tích, đánh giá và dự báo tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn theo từng kỳ để xây dựng và triển khai các biện pháp thu ngân sách hiệu quả, theo dõi, quản lý sát tình hình thu nộp ngân sách và chú trọng tạo nguồn thu mới.
Bên cạnh đó, vận động và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia thực hiện đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Tập trung chống thất thu qua kiểm tra trị giá tính thuế, qua áp mã số hàng hóa và áp mức thuế, nhất là các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác chống thất thu thuế.
Về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, ông Tình cho hay từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới trên địa bàn giảm về số vụ so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên, vẫn còn diễn biến phức tạp chủ yếu tập trung tại khu vực cửa khẩu Cha Lo.
Thủ đoạn chủ yếu các đối tượng sử dụng là ngụy trang, cất giấu tại các vị trí hầm hàng, thùng, đáy hoặc thu, giấu tại nhiều vị trí khác nhau trên phương tiện xe ô tô cá nhân hoặc phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu như nắp ca bô, xắc-xi, ca bin buồng lái, trong hành lý của người xuất nhập cảnh để cất giấu hàng hóa trái phép đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Bên cạnh đó, trên tuyến biển, xuất hiện tình trạng một số tàu vỏ sắt của cá nhân thực hiện buôn bán dầu trái phép trên biển.