Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Cái bắt tay' giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trước thời cuộc Trung Đông

Trong diễn biến đáng chú ý ở khu vực, mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập nâng cấp quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ sau một thập kỷ căng thẳng.

Động thái này sẽ khởi động một lộ trình đối thoại sâu rộng về quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai nước cùng quan tâm. “Cái bắt tay” của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ được cho tác động đến môi trường ngoại giao và an ninh ở Trung Đông vốn đang được thúc đẩy bởi xu hướng đối thoại và hòa giải.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi bên lề World Cup ở Doha, Qatar tháng 11/2022. (Ảnh: Reuters)

Động lực Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập xích lại gần nhau

Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đạt được sự hiểu biết đầy đủ về các hồ sơ liên quan đến quan hệ song phương và các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Kết quả này là cả một quá trình lâu dài bằng đối thoại và liên lạc giữa các cơ quan hai nước từ hơn hai năm trước. Hai bên có sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, sẵn sàng tìm hiểu mọi khả năng hợp tác vì lợi ích của hai bên.

Lý do để hai nước bình thường hóa mối quan hệ là sự đan xen giữa các yếu tố địa chính trị và kinh tế. Hai bên nhận thấy sự hợp tác là cần thiết sau những hậu quả của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng của xung đột giữa Nga-Ukraine, căng thẳng và xung đột ở khu vực như Sudan, Yemen, Libya, Syria, Israel - Palestine, vấn đề dầu mỏ và khí đốt trên biển Địa Trung Hải… Điều này buộc tất cả các bên quốc tế và khu vực phải xem xét lại mối quan hệ để thích ứng với hậu quả của đại dịch và trật tự thế giới mới đang được định hình lại. Những diễn biến này đã ảnh hưởng đến Trung Đông và áp đặt một khuôn mẫu quan hệ mới, khi các quốc gia trong khu vực bắt đầu tìm cách giảm thiểu tổn thất và tối đa hóa lợi ích càng nhiều càng tốt. Một Trung Đông mới và một trật tự thế giới mới đang hình thành.

Đặc biệt, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng một vai trò trong việc định hình trật tự đó và các quốc gia trong khu vực cũng đang tìm cách có vai trò trong việc xác định tương lai của khu vực, từ đó dẫn đến việc nối lại quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Ai Cập. Ngoài thực tế địa chính trị mới này, còn có yếu tố kinh tế, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ chịu áp lực kinh tế to lớn và cần sự cởi mở, hợp tác kinh tế, thương mại để giúp vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế mà hai nước đang phải gánh chịu.

Kỳ vọng của hai bên

Sự hợp tác này sẽ mang lại cho cả hai nước về nhiều mặt từ chính trị tới lợi ích kinh tế. Hai nước đều có vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực, điều đó sẽ giúp hai nước có vai trò và ảnh hưởng hơn trong việc cùng giải quyết các vấn đề ở Trung Đông như tình hình Syria, Lybia, Sudan, hay tình hình ở Đông Địa Trung Hải, đập Đại phục hưng ở Ethiopia, vấn đề an ninh lương thực… kể cả những nỗ lực chung của hai nước trong thúc đẩy hòa giải Nga và Ukraine. Trong đó, sự hợp tác và chung tay cũng góp phần hỗ trợ hòa bình và ổn định trong khu vực, bao gồm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và ở Libya nhưng cũng vì lợi ích của cả hai nước.

Việc bình thường hóa quan hệ cũng được kỳ vọng sẽ làm tăng khối lượng trao đổi thương mại và đầu tư, du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ vào Ai Cập. Ai Cập đã miễn thị thực nhập cảnh cho người Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy một giai đoạn hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

Bất chấp những khó khăn, năm 2022, hai nước đã ghi nhận kim ngạch thương mại song phương 9,7 tỷ USD, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu khí đốt từ Ai Cập trị giá 2,6 tỷ USD. Hai nước đang tăng cường hội nhập kinh tế, đặc biệt là hậu cần và vận chuyển hàng hải giữa hai nước rất dễ dàng. Điều này hy vọng thương mại song phương sẽ tăng lên trong những năm tới, đạt 20 tỷ USD. Đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào Ai Cập tăng và tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Ai Cập.

Ngoài ra, trong số các vấn đề nổi cộm là vấn đề khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải, nơi Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý với Ai Cập, cũng như Hy Lạp và Síp, về biên giới, tài nguyên biển ở khu vực này. Sự hợp tác mới giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một bầu không khí cho phép các bên đối thoại để giải quyết những bất đồng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tham gia vào diễn đàn hợp tác Đông Địa Trung Hải. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường vai trò của hai nước trong an ninh năng lượng với châu Âu và toàn cầu.

Tác động đến khu vực

Là hai quốc gia có tiếng nói ở khu vực, hai cường quốc quân sự lớn nhất ở Đông Địa Trung Hải, “cái bắt tay” của Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập được kỳ vọng có khả năng thay đổi động lực địa chính trị trong khu vực và có thể giải quyết các vấn đề bế tắc chính.

Với việc nối lại quan hệ hợp tác sau 10 năm bị cắt đứt, một số vấn để nổi cộm của khu vực mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đều rất quan tâm được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ và giải quyết. Trước hết là nước láng giềng Lybia của Ai Cập. Dư luận cho rằng sự hợp tác này là tín hiệu tích cực cho Lybia bởi Ai Cập thân với lực lượng miền Đông trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại thân với lực lượng miền Tây. Do đó, cả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp các bên ở Lybia ngồi vào bàn đàm phán và tiến tới tổ chức bầu cử, thống nhất quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội tới Lybia cũng là một mối lo ngại về an ninh đối với Ai Cập nhưng sự hợp tác mới sẽ giảm lo ngại của Ai Cập về điều đó.

Thứ hai, sự hợp tác này cũng thúc đẩy các bên giải quyết căng thẳng liên quan tới biên giới trên biển và việc tìm kiếm, khai thác các mỏ khí đốt trên biển đông Địa Trung Hải. Thứ ba, Syria vừa quay trở lại là thành viên của Liên đoàn Arab, điều đó cũng giúp thúc đẩy đối thoại Syria - Thổ Nhĩ Kỳ mà Ai Cập có thể làm trung gian. Qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bớt lo ngại về việc các nhóm, tổ chức khủng bố từ Syria tấn công vào biên giới nước này và cũng có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút quân khỏi biên giới Syria mà nước này đang kiểm soát. Thứ tư, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng đang được thúc đẩy. Điều đó cũng góp phần thúc đẩy cùng Ai Cập trong giải quyết xung đột Israel - Palestine và có thể tìm ra một giải pháp mới cho vấn đề này. Thứ năm, hợp tác Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tăng cường găn chặn và chống các nhóm khủng bố, đồng thời góp phần mang lại ổn định an ninh trong khu vực.

Ngọc Thạch (VOV-Cairo)

Tin mới