Hàng năm, mỗi dịp nghỉ Tết, số lượng trẻ bị hóc dị vật thường gia tăng. Các loại dị vật trẻ thường gặp phải là các loại hạt như: hướng dương, hạt bí, hạt đậu… hoặc các loại đồ ăn khác như thạch, mứt.
Đáng lưu ý, khi trẻ bị hóc các loại dị vật này, phụ huynh thường không biết cách sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách khiến tai nạn ở trẻ ngày càng trầm trọng hơn. Theo các bác sĩ, khi trẻ bị hóc dị vật, việc xử lý sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng.
Theo các bác sĩ, nếu gặp tình huống trẻ bị hóc dị vật, người lớn phải bình tĩnh để xử lý, bởi nếu xử lý sai cách sẽ khiến việc cấp cứu khó khăn hơn, thậm chí có thể khiến trẻ bị tử vong vì ngạt thở.
Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần bình tĩnh và xử lý đúng cách. (Ảnh minh họa: upallhours.com)
Thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn. Trong tình trạng trẻ bị ngạt chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Chính vì thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ ngắn nên người lớn cần biết cấp cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà. Ngoài ra, trong chương trình của học đường cũng nên hướng dẫn cho trẻ những cách đối phó với tình huống khẩn cấp.
Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật
Vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.
Ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.
Sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được thì cần khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ tiến hành lấy dị vật, tránh các biến chứng nguy hiểm. Trường hợp trẻ không khó thở thì đưa ngay đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và có thể tiến hành soi gắp dị vật.
Đừng cố móc lấy vật lạ ra và dịch chuyển nó vì có nhiều khả năng dị vật rơi vào sâu hơn.
Trong khi xử lý, cấp cứu cho trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không được đặt trẻ nằm ngửa, vuốt ngực xuôi. Khi trẻ bị hóc dị vật mà người xử lý lại dùng tay vuốt vào, khiến thức ăn không xuống được dạ dày mà vào phổi nhiều. Việc làm này có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, thậm chí khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức.
Sau khi xử trí ban đầu, hầu hết các trường hợp cần đưa đến bệnh viện để cấp cứu hoặc khám để đảm bảo an toàn cho trẻ.