Các lái xe thường xuyên phải đi trên những chặng đường dài thì sẽ luôn phải để ý đến các biển cảnh báo. Tuy nhiên, đôi khi các lái xe lại sơ sót, không nhìn thấy biển cảnh báo tốc độ hoặc biển báo khu đông dân cư, ví dụ trong trường hợp đi từ các ngã rẽ ra đường chính.
Do đó, có một mẹo nhỏ để các lái xe có thể dễ dàng nhận biết khoảng tốc độ có thể được phép di chuyển trong trường hợp không thấy có biển báo tốc độ và biển báo khu đông dân cư.
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: VOV)
Cụ thể, các lái xe có thể quan sát kích thước của vạch kẻ đường 2.1 được sử dụng trên đoạn đường mà mình đang di chuyển. Nếu độ dài vạch kẻ đường ngắn thì không thể đi quá 50 km/h. Nếu đoạn đường cho đi tốc độ càng cao thì độ dài vạch kẻ đường 2.1 sẽ càng dài.
Theo quy chuẩn 41:2016/BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ đã ghi rõ rằng: "Vạch 2.1 là vạch đơn, đứt nét, màu trắng. Bề rộng nét vẽ b = 15cm, chiều dài đoạn nét liền L1 = (1 m - 3 m); chiều dài đoạn nét đứt (3 m - 9 m); tỷ lệ L1/L2 = 1:3. Tốc độ vận hành càng cao, chọn chiều dài đoạn nét liền L1 và chiều dài đoạn nét đứt L2 càng lớn. Chọn giá trị chiều dài đoạn nét liền L1 và đoạn nét đứt L2 nhỏ trong các trường hợp cần tăng tính dẫn hướng xe chạy (ví dụ trong phạm vi đường cong nằm bán kính nhỏ)."
Như vậy, các lái xe có thể dễ dàng ước lượng được tốc độ tối đa của đoạn đường mà mình đi qua chỉ bằng cách quan sát vạch kẻ đường, từ đó điều chỉnh tốc độ phù hợp cho đến khi gặp biển báo tốc độ hoặc biển báo khu vực đông dân cư để xác định chính xác được tốc độ được phép di chuyển của mình.