Yến mạch là một loại ngũ cốc không chứa gluten, lại cung cấp một lượng lớn vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa. Vì thế, nó có mặt trong nhiều thực đơn giúp giảm cân, giảm mỡ máu và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hay hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2.
Chuối chín là một trong những loại trái cây bổ dưỡng nhất, là nguồn chất xơ lành mạnh, giàu kali, vitamin B6, vitamin C, chất chống oxy hóa và các phytonutrients.
Kết hợp yến mạch với chuối chín là cách đơn giản để tạo nên món ăn mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, phù hợp với mọi lứa tuổi. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách nấu chè chuối yến mạch bổ dưỡng.
Chè chuối yến mạch rất bổ dưỡng, dễ nấu. (Ảnh: Purely Kaylie)
Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:
- Chuối chín: 4-5 quả (nên chọn chuối sứ hoặc chuối tây để có vị ngọt đậm đà)
- Yến mạch: 200gr (có thể dùng yến mạch cán dẹt hoặc yến mạch nguyên hạt)
- Nước cốt dừa: 400ml
- Nước lọc: 1 lít
- Đường phèn: 100gr (có thể thay bằng đường cát trắng)
-Lá dứa: 3-4 lá (tùy chọn, để tạo hương thơm tự nhiên)
- Muối: 1/2 thìa cà phê
- Vani: 1 ống (tùy thích)
Trước tiên, bạn lột vỏ quả chuối rồi cắt thành các lát mỏng hoặc khúc vừa ăn. Nếu muốn chè ngọt hơn, bạn có thể ướp chuối với một chút đường trong khoảng 15 phút. Ngâm yến mạch trong nước ấm khoảng 15-20 phút cho mềm và nở ra.
Lá dứa rửa sạch rồi bó gọn lại. Đun sôi 1 lít nước lọc,cho lá dứa vào nấu cùng để tạo mùi thơm. Khi nước sôi, bạn từ từ thêm nước cốt dừa vào nồi, khuấy đều để nước cốt dừa hòa quyện với nước lọc, sau đó thêm đường phèn và muối, khuấy đều cho đến khi đường tan hết. Hãy nếm thử và điều chỉnh độ ngọt theo khẩu vị của bạn.
Sau khi nước cốt dừa đã sôi, bạn vớt lá dứa ra, cho yến mạch đã ngâm vào nồi và đun khoảng 10-15 phút. Đun lửa nhỏ và khuấy đều để yến mạch không bị dính đáy nồi. Khi yến mạch đã nở và chín mềm, bạn thêm chuối đã cắt vào nồi, khuấy nhẹ nhàng để chuối không bị nát, đun tiếp trong khoảng 5-7 phút để chuối ngấm đều hương vị của nước cốt dừa và yến mạch.
Trước khi tắt bếp, bạn có thể thêm ống vani vào nồi chè cho thơm.
Để chè nguội tự nhiên hoặc thêm đá nếu muốn ăn lạnh. Chè chuối yến mạch có thể ăn nóng hoặc lạnh đều rất ngon.
Sử dụng yến mạch mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh: Tiki)
Tốt cho tim mạch: Yến mạch có hàm lượng cao chất xơ hòa tan, giúp giảm hấp thu cholesterol vào máu. Nhờ đó, loại ngũ cốc này giúp ngăn ngừa các cơn đau tim, tình trạng đột quỵ và các bệnh tim mạch. Không chỉ vậy, beta - glucan trong yến mạch còn có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Ngăn ngừa tiểu đường: Yến mạch có khả năng cải thiện sự nhạy cảm của cơ thể với insulin - hormone được sản xuất bởi tuyến tụy giúp ổn định đường huyết. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong yến mạch còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Hỗ trợ tiêu hóa: Chất xơ có trong yến mạch giúp làm mềm phân, tránh táo bón. Vì vậy, với những người đang gặp vấn đề sức khỏe đường ruột, yến mạch là loại thực phẩm rất hữu ích.
Ngăn ngừa ung thư: Yến mạch chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào chống lại các gốc tự do, phòng ngừa bệnh ung thư hiệu quả.
Hỗ trợ giảm cân: Các chất xơ trong yến mạch cần nhiều thời gian để tiêu hóa. Yến mạch cũng có nhiều carbohydrate lành mạnh. Do đó, thực phẩm này giúp người dùng cảm thấy no lâu. Ngoài ra, yến mạch còn kích thích quá trình trao đổi chất của cơ thể, hỗ trợ giảm cân tốt hơn.
Ngăn ngừa bệnh thiếu máu: Hemoglobin là thành phần chính của các tế bào hồng cầu. Cơ thể thiếu hồng cầu sẽ xuất hiện triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, da tái, ngứa ran ở chân, thở dốc, sưng tấy lưỡi, chóng mặt, đau đầu... Yến mạch là thực phẩm có hàm lượng chất sắt cao, rất tốt cho sự hình thành hemoglobin, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu hiệu quả.
Cải thiện cơ bắp: Yến mạch là nguồn cung cấp carbohydrate lành mạnh vì có chỉ số đường huyết thấp, giúp thúc đẩy quá trình giảm mỡ và bảo toàn lượng cơ bắp của cơ thể trong thời gian tập luyện. Ngoài ra, chất sắt trong yến mạch cũng giúp vận chuyển ôxy trong máu tới các cơ, giúp nuôi dưỡng cơ bắp tốt hơn.
Ngăn ngừa tình trạng đau nửa đầu: Những người bị chứng đau nửa đầu mãn tính thường có mức magie thấp hơn so với người không mắc bệnh. Vì vậy, việc bổ sung magie vào chế độ ăn có thể ngăn ngừa chứng bệnh này. Yến mạch có hàm lượng magie dồi dào nên việc ăn yến mạch thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đau nửa đầu.