Kỳ I: 'Tiếng sét giữa ngày nắng'
Tháng 5/2003, Jack Ma bị nhốt trong nhà với một cái khóa lớn treo ngoài cửa. Ông được bảo vệ chặt chẽ bởi cộng đồng, trạm phòng chống dịch bệnh và 3 chiến sĩ công an để ngăn ông trốn khỏi nhà. Đây không phải là vì những gì mà Jack Ma đã cam kết, mà bởi vì 1 nhân viên của Alibaba bị nhiễm SARS, khiến hơn 500 người trong toàn công ty bị cách ly tại nhà.
Năm đó, mặc dù Quảng Châu được xác định là khu vực dịch bệnh, Hội chợ Canton Fair vẫn được tổ chức như thường lệ và Alibaba cũng cử nhân sự tham gia.
Ngày 5/5, nhân viên nữ họ Tống, người tham gia Canton Fair vài ngày trước, vì bị sốt cao nên được đưa đến bệnh viện, và được xác nhận là trường hợp nhiễm SARS vào ngày 7/5. Cô là 1 trong 4 bệnh nhân SARS được công bố vào năm đó tại Hàng Châu.
Sau khi nữ nhân viên từ Quảng Châu trở về, cô ấy vẫn đi làm bình thường trong vài ngày. Vì thế, theo quy định, toàn bộ công ty Alibaba cần phải được cách ly.
Jack Ma nói: "Bệnh dịch mới không phải cơ hội, mà là một thách thức". (Ảnh: QQ)
Nhận được kết quả chẩn đoán, Jack Ma như nghe “tiếng sét giữa ngày nắng”. Thời điểm đó đang là giai đoạn phát triển tốc độ cao của Alibaba. Nhân viên phải làm thêm giờ mỗi ngày vì có quá đơn hàng. Nếu tất cả nhân viên bị cách ly, đó sẽ là một thảm họa lớn đối với công ty.
Tác gia kinh tế Trịnh Tác Thời đã viết: “Hầu hết mọi điều kiện đều chỉ ra sự kết thúc của một thảm họa đối với Alibaba: Mất đi đỉnh cao của sự phát triển kinh doanh là một thảm họa, bởi vì nhân viên gặp vấn đề và buộc phải phá vỡ quy trình kinh doanh là thảm họa, việc xuất hiện tâm lý hoang mang, nghi ngờ lẫn nhau trong đa số nhân viên trong công ty, bao gồm cả người lãnh đạo của họ, Jack Ma, cũng là một thảm họa...”.
Tuy nhiên, trong thảm họa, Alibaba không có lựa chọn thứ hai và mọi thứ chỉ có thể tập trung vào phòng chống dịch bệnh. May mắn thay, chính quyền thành phố Hàng Châu và bộ phận tuyên truyền đã không tiết lộ thông tin của Alibaba khi họ công bố tin tức. Các phương tiện truyền thống lớn chỉ đưa tin rằng đó là một công ty mạng ở Hàng Châu.
Nhưng các biện pháp được thực hiện tại thời điểm đó là rất nghiêm ngặt. Hơn 500 người ở Alibaba và gần 100 nhân viên y tế tại bệnh viện cô Tống từng điều trị đều bị cách ly, và có hàng nghìn người phải phục vụ họ.
Đây là biện pháp kiểm dịch lớn nhất ở Hàng Châu kể từ khi dịch bệnh viêm phổi lạ bùng phát, với chi phí kinh tế xã hội rất lớn. Ngay cả tờ Nhật báo Nhân dân cũng đã xuất bản các bài xã luận với tiêu đề “Cái giá của sự tê liệt” và đưa ra những lời chỉ trích gay gắt (nhưng vẫn giấu tên công ty).
Giống như tất cả các nhân viên trong công ty, Jack Ma cũng bị nhốt trong nhà và không được phép ra ngoài trong 12 ngày. 3 bữa ăn mỗi ngày được chính phủ sắp xếp và 2 lần một ngày được các nhân viên phòng chống dịch bệnh mặc “bộ đồ du hành vũ trụ” phun khử trùng tại nhà. Trong trường hợp đó, áp lực tâm lý của mọi người là có thể tưởng tượng được.
Và áp lực tâm lý của Jack Ma chắc chắn là lớn nhất.
Phải làm thế nào để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, và nên hay không nên cho nhân viên tham gia Hội chợ Canton Fair? Trách nhiệm cao nhất thuộc về ông. Sau những gì đã xảy ra, Jack Ma phải đối mặt với những lời buộc tội.
Với cảm giác tội lỗi, Jack ma đã viết một bức thư ngỏ gửi công ty, nói rằng: “Tôi đang cảm thấy rất nặng nề trong những ngày này! Tôi mới biết được kết quả chẩn đoán vào buổi sáng và bây giờ, tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc tới mọi người! Ngày hôm nay chúng ta có thể thăm hỏi sức khỏe của các đồng nghiệp không may bị nhiễm bệnh, và nếu có thể làm bất cứ điều gì để đảm bảo sức khỏe cho đồng nghiệp và các anh chị em ở Hàng Châu, tôi nguyện cho đi tất cả!”.
Tuy nhiên, mọi thứ đã xảy ra, và cảm giác tội lỗi là không có ích gì. Điều duy nhất có thể làm là đối mặt và giải quyết.
Trước khi bị cô lập, Alibaba đã thực hiện một loạt sự chuẩn bị.
Vào lúc 16h30 ngày 6/5, Jack Ma thông báo tin tức về sự cô lập và hình thức làm việc tại nhà. Các nhân viên không hoang mang mà bắt đầu sắp xếp mọi thứ một cách có trật tự. Alibaba liên lạc với bộ phận viễn thông Hàng Châu để cử nhân viên kỹ thuật xuống công ty để hỗ trợ. Các nhân viên có thể truy cập Internet tại nhà và truy cập vào các hệ thống của công ty, đồng thời, thay đổi công việc kinh doanh và quy trình báo cáo.
Nếu bạn đã quản lý một công ty có hàng trăm người trở lên, bạn sẽ biết nó khó khăn như thế nào và nó sẽ gây ra bao nhiêu sự nhầm lẫn. Nhưng Alibaba đã chứng minh khả năng tổ chức và huy động đáng kinh ngạc. Chỉ trong hơn 2 giờ, mọi công tác chuẩn bị đã được thực hiện và Alibaba đã bắt đầu triển khai làm việc tại nhà.
Trong thời gian đó, nhân viên Alibaba đã chuyển các cuộc gọi kinh doanh của công ty đến nhà của họ, và sau đó nói với gia đình rằng nếu họ trả lời điện thoại, họ phải nói: “Xin chào, Alibaba xin nghe”. Vì vậy, trong thời gian đó, khách hàng của Alibaba đã gọi và đôi khi họ bắt gặp những giọng nói già nua “Xin chào, Alibaba xin nghe”, hoặc có thể nghe thấy âm thanh của những đứa trẻ đang khóc hoặc đang chơi vọng vào điện thoại.
Các nhân viên có ý thức bắt đầu làm việc lúc 8h mỗi ngày, ăn trưa vào buổi trưa và trở lại máy tính lúc 13h. Lúc 20h hoặc 21h, mọi người tán gẫu, chơi game trực tuyến và thậm chí tổ chức một số cuộc thi hát karaoke trực tuyến.
Jack Ma và giám đốc điều hành (COO) Quang Minh Sinh cầm danh bạ điện thoại mỗi ngày và gọi cho từng nhân viên một để nắm tình hình và động viên mọi người. Alibaba có rất nhiều nhân viên nữ, vì vậy ngay khi kết nối điện thoại, họ đã nghe thấy giọng nữ ở đầu dây bên kia nói: “Xin chào, Alibaba xin nghe”. Ông Quang gọi đó là “giọng nói thiên thần”.
Video: Cuộc sống ở Vũ Hán sau 2 tuần bị phong tỏa.
Thế là, dịch vụ của Alibaba đã không bị gián đoạn một ngày nào và nhiều khách hàng thậm chí còn không biết rằng dịch bệnh từng xuất hiện ở Alibaba.
Đón đọc kỳ II: Nắm trọn cơ hội