Trả lời câu hỏi của VTC News, liên quan đến nhận định vấn đề Biển Đông được đề cập như thế nào trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53), các chuyên gia cho rằng điểm nhấn của năm nay là hội nghị đã tiếp tục khẳng định mạnh mẽ vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Tuyên bố rõ ràng và kiên định
IMG_0055_1600x1067.JPG
Quan trọng nhất là các nước ASEAN đã nhất trí giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982
Tiến sĩ Trần Khánh, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Đông Nam Á
Ông Trần Khánh, Nguyên Tổng Biên tập tạp chí Đông Nam Á cho biết, vấn đề Biển Đông vốn được đề cập thường xuyên trong các cuộc gặp ASEAN, trong năm nay là từ hội nghị cấp cao tháng 6 đến hội nghị bộ trưởng ngoại giao tháng 9. Nhưng quan trọng nhất là các nước ASEAN đã nhất trí giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Từ các vấn đề gây quan ngại, ASEAN đã đưa ra được tuyên bố rõ ràng. “Đối với năm Việt Nam chủ tịch ASEAN thì đó là thành công”, ông nói.
“Việt Nam cũng đã đưa những từ ngữ nhấn mạnh vai trò của UNCLOS vào các tuyên bố sau các cuộc gặp ASEAN khác, và tuyên bố chung của AMM lần này thể hiện sự tiếp tục của bước đột phá đó. Tôi nghĩ điều nổi bật là ASEAN đang kiên định với lập trường vững chắc hơn này, bất chấp áp lực có thể đến từ phía Bắc Kinh”, ông Ibrahim Almuttaqi, chuyên gia chương trình nghiên cứu ASEAN, trung tâm Habibie, Indonesia nói.
Theo chuyên gia Indonesia, phần về Biển Đông trong tuyên bố chung về cơ bản giống với tuyên bố năm ngoái, nhưng có một điểm khác là sự thay đổi từ “theo luật pháp quốc tế” thành “theo những nguyên tắc đã được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế”. “Dường như ASEAN đang muốn nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của luật pháp quốc tế ở đây”, ông nhận định.
Họp báo thông báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 và các hội nghị liên quan. (Ảnh: ASEAN 2020 Vietnam)
Tiến sĩ Hosoda Takashi, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Charles (CH Séc) và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đối ngoại Tokyo (Nhật Bản) đánh giá cao một số nỗ lực của Việt Nam với tư cách là chủ tịch đối với thông cáo chung AMM 53.
“Đây rõ ràng là cải thiện từ thông cáo trước vào năm 2019. Ví dụ, đoạn 48 và 49 đề cập đến “an ninh hàng hải” và các đoạn này có thông điệp rõ ràng hơn đoạn trước.
Đoạn 48 bao gồm nhiều điểm chính nhấn mạnh tầm quan trọng của: thứ nhất - UNCLOS, thứ hai - thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, thứ ba - tạo môi trường dẫn dắt để giải quyết hòa bình các tranh chấp, thứ tư - chống đánh bắt cá IUU (bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý), và thứ năm - tăng cường nghiên cứu khoa học biển.
Chúng ta có thể kỳ vọng Việt Nam có thể cải thiện các nỗ lực và biện pháp trong nước của mình trong các lĩnh vực này, với sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài như Nhật Bản, Australia, Mỹ và EU”.
ASEAN trong cạnh tranh nước lớn
“ASEAN mong muốn làm bạn với tất cả những người đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực, thay vì sử dụng nó như một cách để cô lập một ai đó”, chuyên gia Almuttaqi nói.
Ông nhận định: “Thực sự là một thách thức đối với các nước ASEAN để duy trì khối đoàn kết và không chọn bên trong thời điểm các cường quốc cố gắng lôi kéo họ. Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng cho các nước ASEAN bảo vệ tính trung tâm của mình trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn.
Sự cảnh báo của Indonesia rằng Mỹ và Trung Quốc không nên lôi kéo khu vực vào cuộc đối đầu của họ đáng được khen ngợi và tôi nghĩ đây báo hiệu một bước tiến từ phía ASEAN khi họ cố gắng đẩy lùi áp lực của Mỹ và Trung Quốc”.
Trả lời họp báo chiều 12/9 về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thể hiện trong bối cảnh diễn ra Hội nghị AMM-53, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định “ASEAN và các nước ASEAN không muốn bị ‘kẹt’ vào trong cạnh tranh giữa các nước tác động đến hoà bình, ổn định của khu vực. Điều đó đã được thể hiện và trao đổi tại các cuộc họp của ASEAN, tại các diễn đàn đối thoại”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham dự cuộc họp Bộ trưởng ASEAN-Mỹ theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: ASEAN 2020 Vietnam)
Nên thiết lập cấu trúc đa phương nhiều tầng?
Nhận định về các cơ chế có thể giúp ASEAN giữ sự đoàn kết vì lợi ích chung trong bối cảnh bị các nước lớn ảnh hưởng, ông Hosoda cho rằng có thể thiết lập các cấu trúc đa phương nhiều tầng lớp ở châu Á.
Ông nói: “Trong Chiến tranh Lạnh, các nước châu Âu có nhiều cấu trúc và nền tảng khu vực và tiểu khu vực khác nhau cho các mục đích khác nhau như NATO, Ủy ban châu Âu (EC), Liên minh Tây Âu (WEU) và Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu (CSCE), để đối phó với các vấn đề an ninh và ngăn chặn sự leo thang căng thẳng song phương giữa Hoa Kỳ và Liên Xô (vào thời điểm đó) ở Châu Âu. Vì vậy, chúng ta cũng cần thiết lập các cấu trúc đa phương nhiều tầng lớp ở châu Á.
Cấu trúc nhiều lớp và chắp vá giúp bao phủ tất cả các bên có quan điểm và chiến lược khác nhau, vốn không thể nằm chung trong một cấu trúc”.
Chuyên gia cho biết thêm: “Trong bối cảnh này, đang có một số hợp tác tiểu khu vực trong khuôn khổ ASEAN, trong lĩnh vực của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Vì vậy, tôi nghĩ cũng có thể hình thành một liên minh giữa các thành viên để tập trung vào các mối quan tâm an ninh như “vấn đề Biển Đông” hoặc “vấn đề sông Mekong” trong Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN (APSC), thúc đẩy ASEAN có phản ứng đối với vấn đề này”.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Khánh, ASEAN có thể có các cơ chế riêng biệt hoặc bổ sung những cơ chế riêng biệt để giải quyết một số vấn đề, nhưng vẫn cần duy trì nguyên tắc đồng thuận. “Đó là một trong những tiêu chí vừa mang tính truyền thống vừa không khiến ai bị loại trừ. Đồng thuận duy trì sự tồn tại của ASEAN từ trước đến nay”.