Ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố rút một phần lực lượng ở gần biên giới Ukraine về căn cứ đồn trú.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov: “Vì các hoạt động huấn luyện đang sắp kết thúc, như mọi khi, binh sĩ sẽ hành quân về nơi đồn trú. Đơn vị phía Nam và phía Tây đã hoàn thành nhiệm vụ, bắt đầu chất tư trang cá nhân cũng như thiết bị lên phương tiện và trở về căn cứ quân sự của họ”.
Theo AFP, đây là bước quan trọng đầu tiên nhằm giảm leo thang căng thẳng kéo dài nhiều tuần qua.
Hiện vẫn chưa rõ việc rút quân sẽ ảnh hưởng thế nào tới quân số của Nga ở khu vực biên giới với Ukraine. Đây là thông báo rút quân đầu tiên của Nga trong vài tuần trở lại đây.
Trong bức ảnh được chụp từ video do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp, các xe bọc thép đang được đưa lên các bệ đường sắt sau khi kết thúc tập trận. (Ảnh: CNN)
Ngăn căng thẳng leo thang
Sau thông tin từ Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết những nỗ lực ngoại giao chung của nước này và các đồng minh phương Tây đã giúp ngăn chặn một cuộc tấn công xảy ra.
“Chúng tôi và các đồng minh đã tìm cách ngăn chặn Nga tiếp tục leo thang. Hiện đã là giữa tháng Hai và các phương pháp ngoại giao đã phát huy tác dụng”, ông nói. Trước đó Mỹ cho rằng có “dấu hiệu” Nga sẽ tấn công Ukraine vào giữa tháng 2.
Nhưng ông Kubela nhấn mạnh rằng căng thẳng tại biên giới Ukraine vẫn ở mức cao và nước này vẫn cần nhìn thấy Nga rút số quân còn lại. “Chúng tôi có một quy tắc là không tin những gì bạn nghe, chỉ tin những gì bạn thấy. Khi nhìn thấy một đợt rút quân, chúng tôi sẽ tin rằng căng thẳng được giảm bớt”, ông nói.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng cho rằng Nga cần cam kết “rút toàn bộ” binh sĩ ở biên giới thì phương Tây mới có thể tin rằng viễn cảnh tấn công quân sự đã chấm dứt (dù Nga phủ nhận có kế hoạch tấn công). Một nguồn tin từ chính phủ Anh cho biết có “hy vọng” rằng biện pháp ngoại giao có thể đã phát huy tác dụng và Tổng thống Nga Putin đang tạm dừng bước, nhưng phố Downing vẫn cần chờ thêm để đánh giá quy mô rút quân của Nga.
Trong khi đó, nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell nói khối này sẵn sàng thảo luận các vấn đề an ninh mà Nga quan tâm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phía sau). (Ảnh: Yahoo)
Đức, Ukraine: Chưa có kế hoạch kết nạp thành viên
Hôm 14/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “gửi thông điệp” đến Nga trong hoàn cảnh căng thẳng khi nói việc kết nạp Ukraine vào NATO không có trong chương trình nghị sự.
Tại cuộc họp báo chung ở Kiev, hai nhà lãnh đạo giảm nhẹ khả năng Ukraine tham gia vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương trong tương lai gần. Tổng thống Nga Putin từng tuyên bố bất cứ hành động mở rộng về phía Đông nào của NATO sẽ là “không thể chấp nhận được”, và yêu cầu phương Tây phải có “đảm bảo an ninh” cho Moskva.
“Tư cách thành viên của Ukraine thực tế không có trong chương trình nghị sự. Vì vậy thật lạ lùng khi chứng kiến chính phủ Nga để một thứ còn không có trong chương trình trở thành trung tâm của những vấn đề chính trị lớn như vậy. Đó mới là thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt: Một chuyện không có trong kế hoạch lại bị làm cho trở thành vấn đề”, ông Scholz nói.
Thủ tướng Scholz nhấn mạnh việc nên để mỗi quốc gia tự quyết định việc tham gia liên minh nào, nhưng cũng cần “nhìn vào thực tế” để giảm căng thẳng leo thang.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine nói việc gia nhập NATO của nước này là “một giấc mơ” xa xôi. Ông cho biết Kiev vẫn rất mong muốn gia nhập khối nhưng thừa nhận quyền quyết định cuối cùng không nằm trong tay họ.
Ông Scholz cũng gặp Tổng thống Putin trong ngày 15/2.