Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Các ngân hàng sẽ giảm thêm lãi suất huy động nhằm hạ lãi suất cho vay

(VTC News) -

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank thông tin như trên tại hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra sáng 8/2 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Ông Tùng nói: “Ngay trước cuộc họp này, tôi cùng tổng giám đốc các ngân hàng đã thống nhất với nhau là sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là giảm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Trong thời gian tới, sẽ giảm các lãi suất cho vay trong đó có cả lãi suất cho vay bất động sản. Hỗ trợ cho thị trường được thì cũng chính là hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại".

Các ngân hàng thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng. (Ảnh minh họa)

Ông Tùng cũng khẳng định, thời gian qua, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước không bao giờ nâng lãi suất huy động “kịch khung” để có thể hỗ trợ lãi suất cho vay với doanh nghiệp.

Năm 2022, cho vay bất động sản của Vietcombank chiếm 20% tổng dư nợ, mức tăng trưởng 17,5%. Hầu hết các dự án tốt và cá nhân mua nhà để sử dụng đúng mục đích đều được Vietcombank đáp ứng.

“Tổng dư nợ chiếm đến 20% chứng tỏ các doanh nghiệp bất động sản cũng đang đóng góp vào sự phát triển của Vietcombank cũng như lợi ích của các ngân hàng”, ông Tùng cho biết.

Tuy vậy, Vietcombank cũng phân loại rất rõ đối tượng khi cho vay bất động sản. Hiện dư nợ cho vay bất động sản tại Vietcombank có tới 90% dành cho cá nhân, doanh nghiệp chỉ chiếm 10%, trong đó tập trung các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất.

"Đối với bất động sản nhà ở, trong năm 2023 chúng tôi cũng chia ra làm hai đối tượng. Đối với những đơn vị phát triển dự án uy tín, tài chính minh bạch, chúng tôi áp dụng các chính sách lãi suất hợp lý. Đối với cá nhân mua nhà ở, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên đồng thời thận trọng hơn đối với phân khúc giá trị cao", ông Tùng cho hay.

Ông Tùng cho biết thêm, Vietcombank cũng gặp không ít khó khăn liên quan vấn đề pháp lý. Có trường hợp cấp tín dụng xong thì chủ đầu tư bị thay đổi hồ sơ pháp lý dự án, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chủ đầu tư mà cả ngân hàng thương mại.

Đối với cho vay nhà ở cá nhân, nếu so với mặt bằng chung, giá nhà đất hiện nay cao hơn so với thu nhập của người dân. Đây là một cái khó trong việc tìm nguồn trả nợ, nên ngân hàng cũng phải thận trọng trong việc đánh giá nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng khẳng định, năm 2022, tín dụng bất động sản của BIDV tăng tới 20%, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng bình quân chung của ngân hàng, tập trung vào phân khúc cá nhân. Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Lâm cho biết sẽ làm việc với từng doanh nghiệp cụ thể để nắm bắt nhu cầu.  

"Ngân hàng thời gian qua vẫn đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu của khách hàng. Thời gian tới BIDV sẽ tập trung cho vay đối với bất động sản khu công nghiệp và ưu tiên những dự án có quy mô từ 50ha trở lên. Đối với bất động sản nhà ở, BIDV ưu tiên tại các địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh và ưu tiên các doanh nghiệp có uy tín", ông Lâm nói.

Còn theo đại diện Techcombank, bất động sản là một trong những trọng tâm chiến lược phát triển mảng bán lẻ của Techcombank. Để kiểm soát dòng tiền, Techcombank đã đi cùng tài trợ, hỗ trợ cho một số chủ đầu tư lớn và uy tín trên thị trường, được người dân quan tâm.

Dư nợ tín dụng bất động sản tại Techcombank cũng tập trung vào khách hàng cá nhân. Với doanh nghiệp và chủ đầu tư, năm 2022, chủ trương của Techcombank là giữ ổn định, tập trung hỗ trợ cho những dự án có sản phẩm tốt, để triển khai và giao nhà cho người mua nhà. Nên dư nợ 2022 giảm khoảng 10% so với 2021.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành - Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), cũng cho rằng: “Doanh nghiệp và ngân hàng đang trên một chiếc xuồng, phải cùng chèo một nhịp, phải hết sức bình tĩnh, chỉ cần chèo lạc nhịp là có thể bị chìm”.

Liên quan đến đề xuất cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp sản bất động sản, lãnh đạo VietinBank cho rằng đây là vấn đề của thị trường, nếu có cơ chế đặc thù cho sản bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ, như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề. “Tôi cho rằng các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, các anh chị bán đi tài sản, vấn đề là bán bao nhiêu", Phó Tổng giám đốc Vietinbank nêu ý kiến.

Hồi tháng 12/2022, dưới sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, hàng loạt nhà băng đã thỏa thuận và thống nhất với nhau về mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm tại tất cả các kỳ hạn (bao gồm các khoản khuyến mại). Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. NHNN cũng khẳng định, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản sẽ được NHNN có biện pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.

Công Hiếu

Tin mới