Trả lời VTC News, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính quốc tế của Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam, phân tích, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã nằm trong dự tính, ngay cả mức tăng rất thấp (0,25 điểm) cũng đã được dự báo trước. Phải nói rằng, việc tăng lãi suất dù thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch ở nước ngoài của Việt Nam, hoặc các doanh nghiệp phải đi vay quốc tế bằng USD thì chịu lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, nhìn rộng ra thì sức ép về tỷ giá giữa USD và Đồng Việt Nam trong lần tăng lãi suất này của Fed là không đáng kể.
“Thực tế, chỉ số DXY (đo lường biến động giữa đồng USD và 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới) hiện đang rất thấp, chỉ khoảng hơn 100 điểm. Chỉ số này lúc cao lên đến trên 113 điểm, nhưng hiện đang trong xu thế liên tục giảm thời gian gần đây. Những điều này đều phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế trong nước, phù hợp với cách điều hành tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng. Việc giữ vững giá trị Đồng Việt Nam so với USD theo tôi vẫn được đảm bảo, từ đó hỗ trợ cho hoạt động và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có thể có phương án yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn. Do đó, theo tôi, không quá lo ngại về đợt tăng lãi suất lần này của Fed", ông Thịnh nói.
Chuyên gia nhận định việc Fed tăng lãi suất lần này không tác động nhiều tới Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá, việc tăng lãi suất của Fed nhằm góp phần kiểm soát lạm phát tại Mỹ, trong bối cảnh lạm phát đã bắt đầu giảm, từ mức rất cao của năm trước. Với động thái này, giá USD sẽ có sự điều chỉnh.
“Giá USD thay đổi sẽ tác động đến tỷ giá giữa tiền Đồng Việt Nam và USD, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sử dụng USD để giao dịch, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Làm thế nào để ít ảnh hưởng nhất và giúp doanh nghiệp có lợi nhất thì chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ có phương án thận trọng, phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam”, ông Doanh nói.
Ngày 1/2 (giờ địa phương), Fed thông báo mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.Ngoài ra, Fed hé lộ thông tin còn tiếp tục thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới.
Đây là lần tăng thứ tám kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3/2022. Fed đang nhắm tới mục tiêu tăng lãi suất để giảm lạm phát. Mức độ lạm phát tại Mỹ đã có những dấu hiệu chậm lại gần đây, nhưng vẫn đang ở gần mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Tuyên bố sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói: "Lạm phát đã giảm bớt phần nào nhưng vẫn tăng cao. Chúng tôi cần thêm bằng chứng để tin chắc rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững".
Sau thông báo của Fed, lúc đầu, các chỉ số chứng khoán giảm với Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm hơn 300 điểm. Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi tăng lại sau đó, khi ông Powell thừa nhận rằng “quá trình giảm lạm phát” đã bắt đầu.
Năm 2022, Fed đã thông qua bốn lần điều chỉnh lãi suất 0,75 điểm phần trăm liên tiếp trước khi chuyển sang mức tăng nhỏ hơn 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12/2022. Trong các tuyên bố công khai gần đây, nhiều quan chức cho biết họ nghĩ rằng ngân hàng trung ương ít nhất có thể thu hẹp quy mô của các đợt tăng mà không báo hiệu khi nào kết thúc.