Metaverse (vũ trụ ảo - được mô tả như một môi trường 3D mà con người có thể tương tác nhờ các thiết bị điện tử), là “sự ám ảnh” mới nhất của các trùm công nghệ. Từng chỉ là ý tưởng từ một tác phẩm khoa học viễn tưởng, gần đây xu hướng này ngày càng thu hút sự chú ý.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, đã đổi tên công ty mẹ thành Meta để thể hiện định hướng đầu tư vào metaverse. Microsoft cũng giới thiệu thuật ngữ này trong những phát biểu gần đây.
Những người hào hứng thì tin rằng vũ trụ ảo metaverse sẽ thay đổi cách con người làm mọi thứ. Nhưng những người nghi ngờ thì cho rằng nó nhiều khả năng chỉ là một quả “bom xịt” công nghệ khác, như kính thông minh Google Glass.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về sự sẵn sàng của metaverse với các mối đe dọa.
(Ảnh minh họa).
Nhiều nguy cơ
Khái niệm "metaverse" lần đầu được Neal Stephenson tưởng tượng đến trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash năm 1992. Một cách đơn giản, có thể hiểu metaverse như mạng internet đặt lên trên thế giới vật chất. Kết nối hai thế giới này là các công nghệ như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).
Tất nhiên, metaverse sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với trải nghiệm AR và VR mà hầu hết chúng ta quen thuộc ngày nay, theo TBTech. Những người được kết nối với metaverse sẽ có thể tương tác với những thứ mà những người khác trong thế giới thực không thể.
Geoff Bibby, giám đốc marketing (CMO) của công ty giải pháp bảo mật email Zix, cho rằng trong khi tương lai vũ trụ ảo trở nên gần hơn, những vấn đề liên quan đến nó cũng trở nên cấp bách, đặc biệt là vấn đề an ninh.
(Ảnh minh họa).
Ở Anh, năm 2020, mỗi doanh nghiệp trải qua trung bình 686.961 vụ cố gắng phá hoại hệ thống (dù thành công hay không). Có 1.120 vụ xâm phạm và tấn công mạng được các hãng truyền thông lớn đưa tin, liên quan đến hơn 20 tỷ tài liệu bị rò rỉ.
Ngoài ra, cứ 10 giây lại có một nạn nhân của ransomware (mã độc tống tiền) xuất hiện, cứ mỗi phút các cá nhân và tổ chức lại thiệt hại 17.700 USD vì một vụ tấn công bằng email lừa đảo.
Nhiều vụ tấn công trong số này nhắm đến những điểm yếu nhất của hệ thống công nghệ. Đầu tháng này, T-mobile bị tấn công dữ liệu quy mô lớn, ảnh hưởng đến hơn 54 triệu người dùng. Số dữ liệu bị xâm phạm bao gồm tên, số bằng lái xe, số an sinh xã hội và xác nhận thiết bị (IMEI) của người dùng dịch vụ dài hạn, khách hàng cũ và những khách hàng tiềm năng.
Không chỉ có email, metaverse là một “mặt hàng” hấp dẫn, nên có thể còn là mục tiêu hoàn hảo cho nhiều kiểu tấn công mạng khác. Dù các công ty có thể sử dụng công nghệ sẵn có để bảo vệ metaverse, đối với những kiểu tấn công mới chưa từng có trước đây, công nghệ có thể trở nên lỗi thời.
Theo một giáo sư đại học New York, mọi người sẽ cần tiền kỹ thuật số để hoạt động trong metaverse, chẳng hạn như các token không thể thay thế (NFT-một loại tài sản kỹ thuật số với các đặc tính đặc biệt). Hiện NFT cũng đang được quan tâm và tin tặc đã cố gắng tìm cách lợi dụng hoặc ăn cắp tài sản này.
(Ảnh minh họa).
Metaverse cần gì?
Nhìn chung, những thứ cần bảo vệ trong không gian vũ trụ ảo bao gồm sự riêng tư, quy tắc sử dụng dữ liệu và các hướng dẫn an toàn, dữ liệu sinh trắc học (ví dụ chuyển động hoặc các đặc điểm thể chất của người dùng khi sử dụng thiết bị VR). Danh sách những thứ cần bảo vệ này chắc chắn còn gia tăng trong tương lai.
Theo blog công nghệ IBC, “các điều luật và giao thức để đối phó với tất cả các nguy cơ của metaverse cũng cần được tái xem xét và điều chỉnh, thậm chí thiết kế mới”.
Giống như bất kỳ tổ chức mới nào, metaverse cần được hướng dẫn, tạo nền tảng để hệ thống này có thể chuẩn bị cho các vụ tấn công mạng có thể xảy ra trong tương lai.