Theo ThS. BS Nguyễn Thùy Linh – Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da Phụ nữ và Trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị mắc các bệnh liên quan đến da liễu như: viêm da tiếp xúc, nấm, nhiễm khuẩn, mụn nhọt, rôm sảy…
Ngoài những trường hợp được thăm khám và chỉ định điều trị tại nhà, cũng có trường hợp bệnh nhi nặng do việc chăm sóc da không đúng cách và chậm trễ trong việc đi khám. Sai lầm đó của phụ huynh khiến trẻ bị biến chứng tấy đỏ da toàn thân, bị nhiễm trùng, thậm chí ảnh hưởng tới chức năng thận…
Do vậy, việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh lý về da liễu ở trẻ để có các biện pháp điều trị phù hợp là rất cần thiết. Dưới đây là những bệnh về da thường gặp ở trẻ trong những ngày nắng nóng.
Mùa hè nắng nóng kéo dài khiến nhiều trẻ dễ mắc các bệnh về da liễu.
Rôm sảy
Thời tiết nóng bức, trẻ ra mồ hôi nhiều nên bệnh thường gặp nhất đó là rôm sảy. Biểu hiện của bệnh là trẻ bị nổi các nốt đỏ trên da, ở các nang lông, gây ngứa, nổi mụn nước.
Gặp những trường hợp như vậy cha mẹ cần vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày cho trẻ bằng cách tắm bằng xà phòng dịu nhẹ dùng riêng cho trẻ em; lau mồ hôi cho con; cho con ở nơi khô mát, tránh vận động nhiều; thay quần áo thường xuyên cho trẻ; sử dụng phấn rôm theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh chốc
Theo BS Linh, bệnh chốc ở trẻ có thể gặp quanh năm, nhưng vào mùa hè sẽ nhiều hơn. Bệnh xảy ra khi trẻ vui chơi, chạy nhảy ra mồ hôi rồi lấy tay bẩn gãi lên da gây ra các vết trầy xước làm vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương thể chốc. Chốc ban đầu là những bọng nước, hay gặp ở tai, bàn tay, ngón tay. Khi bọng nước vỡ để lại các vảy tiết màu vàng nâu trên da rồi lây lan ra nhiều vị trí hoặc lây từ trẻ này sang trẻ khác.
Khi trẻ bị chốc, việc đầu tiên cha mẹ nên giữ gìn vệ sinh cho con, tránh việc cạy, gãi làm tổn thương vết chóc vì sẽ làm lây lan vi khuẩn ra nhiều vị trí. Tiếp theo, phụ huynh có thể dùng xà phòng để tắm rửa cho con hàng ngày, tuyệt đối không được kiêng nước, kiêng tắm vì sẽ làm bệnh càng nặng thêm. Cuối cùng, cha mẹ nên đưa con đi khám tại các cơ sở y tế có uy tín.
Bệnh nhọt
Bệnh nhọt cũng là một dạng nhiễm khuẩn ở trên da. Trẻ mắc bệnh nhọt thường do vi khuẩn xâm nhập trên da thông qua các nang lông rồi gây hoại tử các nang lông. Biểu hiện ban đầu là da trẻ xuất hiện một vết nhọt xung quanh có quầng đỏ, ở giữa có mủ. Bệnh khiến trẻ đau đớn nhiều, thậm chí gây sốt, nếu để lâu sẽ gây biến chứng nguy hiểm.
Cũng như bị rôm sảy và chóc, khi trẻ bị nhọt, cha mẹ phải giữ vệ sinh thường xuyên cho con, không để con cạy, gãi vết nhọt. Bởi nếu làm như vậy sẽ khiến cho vết nhọt bị nhiều vi khuẩn xâm nhập hơn, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, đặc biệt là nhọt ở vùng đầu và cổ. Với bệnh này, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt, tuyệt đối không được chích, nặn nhọt tại nhà.
ThS. BS Nguyễn Thùy Linh – Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da Phụ nữ và Trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Nấm da
Do thời tiết nóng ẩm, nên không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng gặp nhiều trường hợp nấm ở trên da, có thể ở mặt, tay, chân, miệng hoặc da đầu, tóc… Các loại nấm thường gặp có thể là nấm sợi, nấm lang ben… Biểu hiện có thể là những mảng da đỏ, có vảy bên trên, đôi khi xuất hiện mủ…
Trẻ em bị nấm da thường do có tiếp xúc với nguồn lây như vật nuôi, chó mèo. Do vậy, cha mẹ cần vệ sinh vật nuôi sạch sẽ, không để trẻ tiếp xúc gần để hạn chế nguồn lây. Ngoài ra, người lớn cũng cần thay quần áo thường xuyên cho con. Bởi khi trẻ ra quá nhiều mồ hôi nấm rất dễ phát triển.
Trẻ bị nhiễm nấm cần được đưa tới bệnh viện sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc về cho con sử dụng khiến trẻ gặp những biến chứng nguy hiểm.
Sẩn ngứa
Sẩn ngứa là bệnh lý phổ biến ở trẻ em. Trẻ bị sẩn ngứa trên da thường xuất hiện những nốt sẩn đỏ, bên trên có mụn nước nhỏ, rất ngứa thường tập trung ở những vùng da hở như cẳng tay, cẳng chân.
Nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó thường gặp nhất là trẻ bị nhiễm ký sinh trùng (trẻ lâu ngày không được tẩy giun). Ngoài ra, trẻ có thể bị sẩn ngứa do tiếp xúc với côn trùng (muỗi, bọ chó/mèo…). Trẻ bị sẩn ngứa thường khiến cha mẹ rất lo lắng, sợ con có vấn đề về các cơ quan nội tạng như gan, thận.
Tuy nhiên, theo BS Linh, đa phần những trường hợp sẩn ngứa ở trẻ đều ít khi xảy ra do cơ quan nội tạng mà cha mẹ cần chú ý đến tác nhân bên ngoài. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, phụ huynh cần chú ý lau dọn vệ sinh môi trường sống của con thường xuyên, không để trẻ tiếp xúc với vật nuôi hay côn trùng.
Khi trẻ bị sẩn ngứa, không nên để con gãi mà phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không dùng lá khế hay lá trầu không để đắp, tắm cho trẻ.