Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ca sỹ U70 Lệ Hằng: 'Kết hợp với Thanh Điền, tôi có cảm xúc đặc biệt hơn'

(VTC News) -

Bà lão U70 có giọng hát mê hoặc đang nổi như cồn trên mạng chia sẻ, kết hợp với Thanh Điền, bà có cảm xúc đặc biệt hơn so với khi hát cùng những ban nhạc khác.

Từng có tuổi trẻ xinh đẹp kiêu sa, từng có hào quang sân khấu với nghệ danh Lệ Hằng nhưng với khán giả thời nay, bà chỉ thực sự nổi đình đám khi đã ở tuổi U70, khi cư dân mạng "sốt xình xịch" truyền tụng những clip ghi cảnh bà lão gầy gò tóc bạc đang hát say sưa bằng giọng đầy lôi cuốn, nhất là những clip hát bên "quái kiệt" guitar Thanh Điền. Tên bà là Nguyễn Thị Tuyết Hằng.

Dù hát những ca khúc của thời xưa như Chiều, Thu ca..., ca sỹ đầu bạc Lệ Hằng vẫn trở thành một "idol" của nhiều bạn trẻ vốn là fan của các dòng nhạc hiện đại, không chỉ nhờ giọng hát cá tính đầy nội lực. Sự mê hoặc của bà chủ yếu đến từ nguồn năng lượng dồi dào và tươi trẻ toát ra từ vẻ bừng sáng toàn thân khi được hát, và nụ cười nhẹ nhõm như thể âm nhạc làm cho mọi mệt mỏi ưu phiền của đời thường tan thành khói bay lên, chỉ còn lại niềm vui sống.

Trong căn nhà bình dị ở TP Cần Thơ, ca sỹ U70 ngồi bên chiếc piano luyện hát cho học trò nhỏ. Bà vận đồ bộ, tóc sương không cần nhuộm búi vội lên đầu như các bà lão bình thường khác, nhưng dáng lưng thẳng tắp bên phím đàn và cái điệu nghiêng cổ đầy tao nhã khi vươn tay gõ nên các nốt nhạc vẫn gợi nhắc đến thời thanh xuân kiêu hãnh của một nữ nghệ sỹ có cả thanh, sắc và đam mê.

Bà Tuyết Hằng (nghệ danh Lệ Hằng) dạy học trò nhỏ luyện thanh. 

 

- Chào ca sỹ Lệ Hằng, bà cảm thấy thế nào khi "bỗng dưng nổi tiếng" ở tuổi 64?

Tôi rất ngạc nhiên khi mình lại được chú ý nhiều như vậy. Có lẽ là nhờ sự hợp tác giữa 2 người đặc biệt - một nghệ sỹ khiếm thị và một bà lão U70. Với tôi, Thanh Điền là một nghệ sỹ rất tuyệt vời. Kết hợp với Thanh Điền, tôi có cảm xúc đặc biệt hơn so với khi hát cùng những ban nhạc khác. Có thể sự kết hợp đó đã tạo nên hiệu ứng đặc biệt. Khán giả yêu mến và lan truyền bằng sự đồng cảm và cả thương cảm, nhờ vậy nên chúng tôi được quan tâm hơn.

- Cơ duyên nào khiến bà và nghệ sỹ Thanh Điền quen biết nhau?

Tôi là giáo viên của bé Hiền Trân, Quán quân Thần tượng tương lai. Vì quá thân thiết nên cô bé nhận tôi là bà nội. Khi chương trình mời Hiền Trân đi quay cùng nghệ sỹ Thanh Điền thì tôi có đi theo. Gặp và nghe tiếng đàn của Thanh Điền, tôi thật sự xúc động nên đã hát vài bài. Đó cũng là lần đầu chúng tôi gặp gỡ.

Lần kết hợp tạo nên các video gây sốt vừa rồi cũng là dịp tình cờ, khi Thanh Điền trở về Cần Thơ. Tôi cũng được mời ra hát giao lưu mà chưa hề tập luyện gì trước.

Sau lần kết hợp đó, tôi và Thanh Điền vẫn chưa có cơ hội gặp lại nhau. Thanh Điền hiện cũng có nhiều bệnh. Tôi đang dự định sẽ làm một liveshow ca hát để gây quỹ cho những người khuyết tật và trích một phần cho Thanh Điền. Đây là ước nguyện và tôi mong sẽ làm được vào dịp hè năm nay.

Ca sỹ Lệ Hằng luôn tràn đầy năng lượng.

- Nghệ sỹ Thanh Điền nói âm nhạc với ông như sức mạnh giúp xoa dịu, hàn gắn những vết thương tâm hồn, vậy âm nhạc với bà có ý nghĩa thế nào?

Khi tôi còn làm nghề, âm nhạc là đam mê và cũng là công việc để trang trải cuộc sống. Còn hiện tại thì âm nhạc với tôi giống như món ăn tinh thần không thể thiếu. Nó giúp tôi giải toả hết mọi căng thẳng. Khi hát, tôi thấy cuộc sống có giá trị hơn và xóa hết những buồn bực trong lòng. Nói một cách dễ hiểu là còn thở, tôi sẽ còn hát.

Ca sỹ Lệ Hằng hát "Thu ca" với tiếng đàn của nghệ sỹ Thanh Điền.

- Khi đã lớn tuổi thì sức khoẻ cũng là trở ngại rất lớn cho việc ca hát, điều này có đúng với bà?

Tất nhiên là có nhưng tôi biết cách làm sao để không quá sức. Khi hát, tôi không còn biết mệt. Còn nhớ lần hát với Thanh Điền 3 bài liên tục, tôi đang bị viêm họng rất nặng. Tuy nhiên nhờ tiếng đàn của Thanh Điền và sự cổ vũ của khán giả, tôi quên đi hết mệt mỏi. 

- Ở tuổi 64 nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, chắc hẳn thời trẻ ca sỹ Lệ Hằng còn máu lửa hơn rất nhiều?

Khoảng 5-6 tuổi tôi đã đứng trên sân khấu biểu diễn. Năm 12 tuổi, tôi bắt đầu đi hát. Do đi hát từ nhỏ nên tôi đã nghỉ học từ năm lớp 6. Năm 1979, tôi đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Tiếng Biển. Tới năm 1986, tôi theo chồng về Cần Thơ và gia nhập Đoàn ca múa nhạc Hậu Giang.

Ca sỹ Lệ Hằng thời trẻ.

Ngày đó mỗi tỉnh thành có một đoàn ca múa nhạc, tôi được gọi là "ca sỹ vedette" - có nghĩa là ca sỹ bán vé. Người ta ký hợp đồng với mình với điều kiện sau mỗi đêm hát, số cùi vé phải tăng lên, nếu không có hiệu quả thì sẽ bị huỷ hợp đồng. Chính vì lẽ đó nên tôi không thể chỉ hát một thể loại nhạc. Là ca sỹ hát cuối chương trình, tôi phải thay đổi tiết tấu liên tục. Tôi chỉ có thể hát làm sao cho giữ được khán giả, đảm bảo số lượng vé. May sao trời phú cho tôi chất giọng, khả năng ca hát và đam mê nên mọi việc diễn ra tương đối suôn sẻ. 

- Thời hoàng kim của bà diễn ra trong khoảng thời gian  nào?

Tôi có khoảng 15 năm hoàng kim. Thời điểm đó, Đoàn ca múa nhạc Tiếng Biển của chúng tôi nổi tiếng đến mức ai cũng phải "sợ", chỉ trừ đoàn Hải Đăng của Vũng Tàu. Khi chuyển về Cần Thơ thì Đoàn ca múa nhạc Hậu Giang đi đâu cũng "chẳng ngán" bất cứ đoàn nào.

Thời điểm đó tuy nổi tiếng nhưng cát-sê của tôi cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Nếu cát-sê ngày xưa cao như bây giờ thì có lẽ tôi đã rất giàu có. Tuy nhiên với tôi, nghệ sỹ đích thực thì chỉ biết hát và không quan trọng chuyện tiền bạc. Tôi chưa bao giờ đặt ra chuyện cát-sê cho bất cứ đoàn nghệ thuật nào. Họ cứ đề nghị giá và tôi cảm thấy hài lòng là nhận show. Có những chương trình mời riêng, tôi còn nói trả bao nhiêu cũng được. Có thể đấy là lý do tôi không giàu (cười).

- Có vẻ như ca hát với bà lúc nào cũng là đam mê cháy bỏng?

Từ trẻ cho tới hiện tại, ca hát với luôn tôi là đam mê. Tôi sẽ vẫn yêu ca hát đến lúc nào không còn sức thì mới ngừng.

Cả hai vợ chồng hiện đều có lương hưu, con cái trưởng thành yên bề gia thất nên việc kiếm tiền với tôi cũng không còn quá cần thiết. Giờ đây đam mê của tôi là muốn truyền đi chất xám của mình cho học trò. Tôi chỉ hy vọng tổ nghiệp và ơn trên cho tôi sức khoẻ để tiếp tục được hát, được dạy và tìm thêm nhiều tài năng cho nghệ thuật.

 

- Thời điểm nào bà quyết định dừng ca hát để tập trung cho công việc giảng dạy?

Khán giả luôn thay đổi và chuộng sự trẻ trung, tươi mới. Tôi từng bị mất năng lượng và sụt cân trầm trọng khi bố qua đời. Mỗi lần ra sân khấu, tôi không thể hát được vì nhớ bố. Năm 1997 khi đã 37 tuổi, tôi đi hát biên chế và xin được đi học 3 năm cao đẳng. Năm 2000, tôi tốt nghiệp cao đẳng và tiếp tục xin đi học thêm 5 năm đại học. Năm 2005, tôi tốt nghiệp cử nhân âm nhạc ở tuổi ngoài 40, sau đó bắt đầu chính thức là giảng viên. Từ lúc đi dạy, tần suất xuất hiện trên sân khấu của tôi ít hơn vì phải tập trung cho việc giảng dạy. 

Các ca sỹ về già đa số sẽ bị vùi vào quên lãng. Tôi không muốn sống như vậy nên dù học vất vả thì vẫn phải cố gắng. Bây giờ khi nghĩ lại, tôi không hiểu sao một người phụ nữ 40 tuổi lại có động lực học tập phi thường đến vậy.

Tôi nghĩ nghệ sỹ ai cũng muốn được nổi tiếng. Lúc đó nếu chọn danh vọng thì tôi sẽ phải quên đi gia đình, sẽ lên TP.HCM mà sẽ không chọn Cần Thơ là nơi sinh sống. Nếu nổi tiếng chỉ cho bản thân mình, tôi không cam lòng. Với tôi, sự thành công của một nghệ sỹ là phải có gia đình hạnh phúc, lấy âm nhạc làm niềm vui, lẽ sống chứ không dùng đó để tạo hào quang. Chính vì suy nghĩ đó nên tôi hài lòng với thứ mình đã chọn.

Ở tuổi U70, bà Hằng vẫn miệt mài truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ.

- Tại sao bà lại lấy nghệ danh Lệ Hằng?

Tôi không được chọn nghệ danh mà khi đi hát, người ta đặt cho như vậy. Có thể cái tên này được lấy cảm hứng từ Mai Lệ Huyền, thời đó bà ấy rất nổi tiếng và cũng là thần tượng của tôi. 

Trước đây, tôi theo dòng nhạc của Mai Lệ Huyền nhưng sau này phải hát đủ thể loại, kể cả nhạc quốc tế. Có thể mọi người không tin rằng tôi ngoại ngữ một chữ bẻ đôi không biết nhưng vẫn hát tiếng Anh như gió. Tôi tiếp thu khá nhanh, bài nào khó lắm cũng chỉ mất một đêm là thuộc, còn nhạc Việt chỉ cần 15 phút là xong. Tôi nghĩ đó là năng khiếu được ông trời ban tặng.

- Chắc hẳn bà cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn trên con đường nghệ thuật của mình. Bà đã bao giờ muốn từ bỏ?

Có một giai đoạn, tôi từng nghĩ đến cái chết vì quá vất vả, nhưng khi bình tâm lại thì thấy suy nghĩ như vậy tiêu cực quá vì còn nhiều người khổ hơn mình. 

 

Nhiều lúc âm nhạc cũng khiến tôi mang nỗi ân hận, rằng chỉ vì mải ca hát nên không thể về nhìn mặt cha lần cuối. Tuy nhiên âm nhạc cũng lại chính là thứ giúp tôi thoát khỏi cửa tử. Nhờ cái phổi và giọng hát này, tôi đã nuôi được 4 đứa con ăn học thành người. Nhiều lúc bế tắc, tôi ngồi hát nghêu ngao, rồi mọi thứ cũng qua. Nếu không có âm nhạc, có thể tôi không trụ nổi cho tới ngày hôm nay.

 

- Một ngày của bà hiện nay diễn ra thế nào?

Tôi vẫn bận rộn cả tuần. Sáng nào thức dậy, tôi cũng phải uống một ly cà phê đen để lấy tinh thần làm việc. Lớp học của tôi kín lịch suốt tuần và bắt đầu từ 8 giờ sáng. Tôi đang dạy tổng cộng 37 học viên, lớn nhất ngoài 50 tuổi và nhỏ nhất là 5 tuổi. Ngoài việc dạy thanh nhạc tại nhà, tôi còn luyện thanh cho một vài ca đoàn tại nhà thờ. Công việc cứ xoay tôi liên tục cả ngày. Bận rộn là vậy nhưng làm nhiều lại thấy quen.

Các con tôi thấy lịch làm việc của mẹ dày đặc,  cũng khuyên giảm bớt, nhưng vừa bớt được đoàn này thì lại có đoàn khác gọi nhờ tới dạy. Tôi lại là người rất ngại từ chối. Hơn nữa nếu không được dạy, được sống cùng âm nhạc thì nhiều khi tôi cảm thấy bứt rứt, thừa thãi. Còn sức khoẻ, còn làm được thì tôi còn làm và thấy vui.

Giờ đây tôi chỉ tiếc rằng mình không thể níu kéo được thời gian. Nếu được trẻ lại chục tuổi thì Lệ Hằng chắc chắn sẽ nhiệt huyết, hừng hực hơn rất nhiều. 

 

- Ngoài âm nhạc, bà còn sở thích gì khác? 

Có lẽ là ngủ nướng (cười). Tôi ngủ say sưa đến mức nhiều khi học trò tới cửa gọi tôi mới dậy. Ở tuổi này, tôi chỉ cần sức khoẻ để truyền ngọn lửa cuối cùng cho thế hệ trẻ, sau này ngọn lửa đó lụi tàn thì bản thân mình cũng cam lòng. 

- Không dễ để một người ở tuổi U70 giữ được chất giọng khỏe như bà, hẳn bà phải có bí quyết gì đặc biệt?

Người ta thường nói "văn ôn, võ luyện". Tôi phải thị phạm, dạy cho học trò hát mỗi ngày, có ngày thậm chí hát mười mấy tiếng, nhờ vậy mà vẫn giữ được làn hơi ổn định.

- Cuộc sống riêng có khiến bà cảm thấy hài lòng?

Tôi có 4 người con, 2 gái 2 trai, và 8 đứa cháu. Các con cháu đều trưởng thành và có sự nghiệp ổn định. 3 người con đầu đều lập nghiệp tại Sài Gòn, tự kiếm tiền để lập gia đình, mua nhà. Cậu út thì học ở Cần Thơ nên đang sống cùng bố mẹ ở đây. Trong 4 người con thì 2 cô con gái là giáo viên âm nhạc. Con trai út hát rất hay nhưng không muốn theo nghề giống mẹ nên tôi không muốn ép. 

Còn ông xã tôi rất hiền lành và yêu thương vợ vô điều kiện. Khi nào biết tôi sắp giận, ông ấy sẽ bỏ đi ngay trước khi vợ kịp nổi nóng. Khi còn đi diễn, ông ấy cũng là người duyệt bài hát, chọn trang phục cho vợ. Tôi cảm thấy may mắn khi có được người chồng yêu thuơng, ủng hộ mình trong mọi việc.

Bà Tuyết Hằng và ông xã.

Ông xã tôi là một nhà thơ. Sắp tới, tôi dự định sẽ phổ nhạc một số bài thơ để làm tặng chồng một đêm nhạc. Đó sẽ là đêm nhạc kết hợp ca múa và nhạc thơ. Tôi muốn đó sẽ là một món quà đặc biệt dành cho chồng. Đây cũng là một nguyện vọng mà tôi chắc chắn phải thực hiện. 

Có thể tôi không giàu nhưng đủ viên mãn. Ở tuổi này, tôi không mang nợ ai, không thiếu thốn, con cái trưởng thành, hoà thuận và vẫn được sống với đam mê, đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời.

- Nếu nhận được lời mời trở lại sân khấu ở tuổi này, bà có sẵn sàng?

Với âm nhạc, tôi lúc nào cũng sẵn sàng. Tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người rằng một người già, gầy gò như vậy nhưng vẫn đam mê, cháy hết mình trên sân khấu, vậy thì những người khác bằng tuổi tôi, thậm chí là hơn tuổi tôi vẫn có thể làm được. 

- Cảm ơn bà về những chia sẻ. Chúc bà sẽ có thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục với đam mê âm nhạc!

Thiết kế: Huy Mạnh

Tùng Nguyễn (Thực hiện)

Tin mới