Chị Đoàn Thị L., trú ở thành phố Thái Bình được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng tiểu cầu giảm thấp, xuất huyết tiêu hóa. Ban đầu chị tưởng sốt bình thường, ba ngày sau hết sốt nhưng người mệt nên vào viện khám thì được chẩn đoán sốt xuất huyết phải nhập viện.
Nhập viện tuyến dưới chị L. bị biến chứng xuất huyết, chảy máu mũi, đi tiểu ra máu, xuất huyết dạ dày, bụng chướng. Vì vậy, chị được chuyển lên Hà Nội. Sau hai ngày điều trị tích cực theo phác đồ điều trị biến chứng sốt xuất huyết, sức khỏe của chị tốt dần.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng chiếm hơn nửa giường bệnh. Nhiều người sốt cao, tự hạ sốt không đỡ, khi vào viện tiểu cầu xuống rất thấp nên phải nhập viện. Không chỉ ở Hà Nội mà bệnh nhân từ một số tỉnh phía bắc cũng được chuyển tới do biến chứng nặng.
Ở bệnh viện này, mỗi ngày khoảng hơn 100 người bị biến chứng xuất xuất huyết vào khám. Trong đó hơn 10% bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu.
Theo bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó khoa Cấp cứu của bệnh viện, trong thời điểm xuất hiện cả cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, COVID-19, ai có biểu hiện sốt, mệt mỏi thì nên tới cơ sở y tế kiểm tra xác định xem bệnh gì để được theo dõi sát sao. Ví dụ, người bệnh sốt xuất huyết phải theo dõi đúng, tránh tự ý điều trị. Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi sốt xuất huyết tại nhà, khi có biểu hiện biến chứng cần nhập viện ngay.
Bác sĩ cũng chỉ rõ các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như người bệnh tự nhiên bồn chồn, hoặc li bì, nôn, đau bụng hoặc tăng cảm giác đau. Người bệnh tiểu ít, xuất hiện dấu hiệu chảy máu bất kỳ chỗ nào như chân răng, máu cam...
Theo Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, từ đầu năm tới nay, thành phố ghi nhận 70.370 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca nặng là 1.600 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc tính đến tuần 44 là 2,3%, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Sở Y tế Hà Nội thông tin, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 9.747 ca sốt xuất huyết, 12 ca tử vong. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao và nguy cơ nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.
Từ đầu năm tới nay cả nước có hơn 200.000 trường hợp, trong đó hơn 100 ca tử vong, tập trung nhiều ở TP.HCM và các tỉnh phía nam. Tại Hà Nội, các bác sĩ khuyến cáo tháng 11 sẽ là đỉnh dịch sốt xuất huyết.