Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cá sấu đông cứng trong hồ, nhô mõm lên để thở

(VTC News) -

Trời lạnh khiến mặt hồ đông cứng buộc cá sấu "đóng băng" toàn bộ cơ thể dưới nước và chỉ để mõm trên mặt băng.

Hình ảnh được Sở Bảo tồn Động vật Hoang dã Oklahoma (ODWC) đăng tải tuần trước cho thấy một con cá sấu mõm ngắn đang thò mõm nhô lên khỏi mặt hồ đóng băng. 

Dân mạng lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con vật giữa trời đông lạnh giá. Nhưng bà Jena Donnell - chuyên gia của ODWC cho rằng đây là hành vi bình thường của cá sấu và là cơ chế sinh tồn của loài này giữa thời tiết giá lạnh. 

"Đó là hành vi thú vị, đối lập với những gì mà cá sấu thường làm. Thông thường, cá sấu khi gặp trời lạnh sẽ rời khỏi khu vực đó và tắm nắng để cơ thể ấm trở lại", Donnell cho biết.

Con cá sấu ngoi mõm trên mặt băng. (Ảnh: ODWC)

Nhưng vào mùa đông, không khí còn lạnh hơn nước nên nếu cá sấu rời khỏi nước, chúng có thể sẽ chết cóng vì lạnh. 

Trong trường hợp của con cá sấu trên, Donnell cho biết nó dùng mõm của mình như ống thở để hấp thụ không khí. 

Theo ông George Howard, quản lý Công viên đầm lầy ở Ocean Isle Beach, North Carrolia, vào mùa đông, cá sấu thường sử dụng chiến thuật "đóng băng" toàn bộ cơ thể để giảm thiểu các hoạt động tiêu hao năng lượng, duy trì thân nhiệt ngang với nhiệt độ môi trường và chỉ ngoi mõm lên để lấy oxy.

Quá trình này thường kéo dài từ 4 đến 5 tháng và có những điểm tương đồng với tập tính ngủ đông ở nhiều loài. Tuy nhiên, với ngủ đông, các động vật thường chìm vào một giấc ngủ sâu và không ăn uống gì trong nhiều tháng. Còn với cá sấu, nó hoàn toàn nhận thức được môi trường xung quanh.

Mõm của cá sấu là sụn nên việc đóng băng không làm tổn thương tới bộ phận này. 

Diệu Hoa

Tin mới