Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

BV Tâm thần TW 1 hết làm bệnh án giả, lại tiếp tay ông trùm mở 'động bay lắc'

(VTC News) -

Trước khi dính lùm xùm để bệnh nhân biến phòng điều trị thành "động bay lắc", Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từng gây rúng động khi làm giả 78 bệnh án cho tội phạm.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (huyện Thường tín, Hà Nội) là nơi điều trị nội trú dài hạn cho các bệnh nhân có tiểu sử bệnh tâm thần. Tuy nhiên, ít ai ngờ đây lại là nơi dung túng cho nhiều loại tội phạm, để chúng mặc sức lộng hành dưới vỏ bọc "bệnh nhân tâm thần".

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội).

"Thiên đường" ma túy

Tối 31/3, dư luận cả nước rúng động trước thông tin một bệnh nhân cầm đầu đường dây ma túy ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Thậm chí, “ông trùm” này còn cải tạo phòng bệnh thành một sàn bay lắc, đưa gái dịch vụ từ ngoài vào tham gia “cuộc vui” cùng cán bộ của bệnh viện.

Kẻ cầm đầu đường dây này là Nguyễn Xuân Quý (trú tại Thanh Trì, Hà Nội), có tiền sử bệnh tâm thần, vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từ tháng 11/2018. Trong thời gian điều trị, Quý nhiều lần ra khỏi bệnh viện. Đầu tháng 1/2021, hắn bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng do có bệnh án tâm thần nên được trả về bệnh viện để điều trị.

Theo cơ quan điều tra, bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bị quản lý việc ra vào rất chặt chẽ. Tuy nhiên, Quý lại tạo được mối quan hệ thân thiết với một số cán bộ y tế để được tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu. Quý còn cải tạo căn buồng điều trị bệnh thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laser cất giấu ma tuý và sử dụng trái phép ma túy. Tại đây, Quý đưa đàn em, gái "dịch vụ" vào bay lắc cùng cả cán bộ bệnh viện.

Tạo được “vỏ bọc” an toàn, Quý tổ chức mua bán ma tuý ngay tại bệnh viện. Khách đến mua lấy danh nghĩa là vào thăm người bệnh nên việc mua bán diễn ra trót lọt mà không gặp trở ngại nào. Để đảm bảo an toàn, Quý còn bố trí 2 đàn em giả làm lái taxi và xe ôm công nghệ túc trực bên ngoài làm công tác cảnh giới.

Toàn bộ hành vi phạm tội của Quý và đồng bọn bị Công an TP Hà Nội phát hiện và triệt phá. Khám xét nơi ở, cơ quan chức năng thu giữ 6,1kg ma tuý tổng hợp. Quý và 5 đồng phạm bị bắt giữ để điều tra hành vi phạm tội.

Nguyễn Xuân Quý cùng tang vật. (Ảnh: CACC)

Đáng nói, "động lắc” này nằm ngay trong khuôn viên bệnh viện, lại được bố trí trong phòng bệnh nhân, tuy nhiên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 - ông Vương Văn Tịnh lại cho biết không nắm được tình hình cụ thể.

"Về việc bán ma tuý do công an phát hiện ra, bệnh viện không biết được. Cơ quan công an chưa trao đổi cụ thể với bệnh viện", ông Tịnh cho hay.

Trả lời báo chí, Thượng tá Nguyễn Quang Hiền – Phó Trưởng Phòng điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội cho biết: "Băng nhóm này hoạt động bởi bệnh viện quản lý lỏng lẻo và đặc biệt là có sự tiếp tay của nhiều nhân viên y tế. Cán bộ bệnh viện biết chúng ngang nhiên phạm tội nhưng lại làm ngơ và còn giao cả chìa khóa cho Quý".

Đại diện Công an Hà Nội khẳng định, lực lượng công an sẽ mở rộng điều tra để làm rõ quá trình hoạt động của băng nhóm tội phạm liên quan đến bệnh viện thế nào và xác định trách nhiệm liên quan.

Làm bệnh án giả cho tội phạm

Cách đây 3 năm, từ việc Lê Thanh Tùng (SN 1986), tội phạm cộm cán ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) xuất trình bệnh án “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng” sau khi bị bắt do gây án, Công an TP Hà Nội đã phát hiện ra đường dây bác sĩ “chạy” bệnh án tâm thần cho tội phạm.

Qua điều tra xác định, người này đã chi 85 triệu đồng để có được bệnh án tâm thần, nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Từ đây, cơ quan công an phát hiện 78 hồ sơ bệnh án tâm thần giả được cấp khống, trong đó có 41 bệnh án của các tội phạm hình sự cộm cán.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội sau đó ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Thân Thái Phong, Bác sĩ chuyên khoa 2, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để tiếp tục điều tra, xử lý đường dây “chạy” hồ sơ bệnh án tâm thần giả.

Cơ quan công an phát hiện 78 hồ sơ bệnh án tâm thần giả được cấp khống, trong đó có 41 bệnh án của các tội phạm hình sự cộm cán.

Có thể thấy Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã rất sơ sài trong quá trình kiểm duyệt và cấp bệnh án. Theo Thông tư 18/2015 của Bộ Y tế, mỗi trường hợp giám định pháp y tâm thần thông thường có 3 giám định viên, chưa kể 2 điều dưỡng. Trường hợp phức tạp có thể có 5 giám định viên, cá biệt có trường hợp có thể lên tới 9 giám định. Riêng các trang thiết bị sử dụng để giám định ngoài các dụng cụ, phương tiện y tế còn phải có máy chụp ảnh, máy ghi âm, camera theo dõi... 

Ông La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, theo quy định, hồ sơ bệnh án phải có chữ kí của lãnh đạo bệnh viện, nhưng lãnh đạo không thể biết được bác sĩ có làm khống hồ sơ không. Thời còn làm Giám đốc, ông Cương từng đưa ra quy định phải in ảnh của bệnh nhân vào hồ sơ nhập viện để tránh tình trạng làm giả, làm khống bệnh án nhưng có lúc cũng gặp khó khăn do bệnh nhân tâm thần không hợp tác, không cho chụp ảnh; chưa kể quy định này vẫn có kẽ hở khi y, bác sĩ chuẩn bị sẵn ảnh của đối tượng để in vào hồ sơ…

Ông Cương cho rằng, một khi các y, bác sĩ đã câu kết với nhau để làm khống hồ sơ bệnh án như vụ việc trên thì lãnh đạo bệnh viện khó có thể biết được.

Làm khống hồ sơ bệnh án tâm thần giúp tội phạm là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, có thể tiếp tay cho những kẻ giết người hàng loạt thoát sự khỏi truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Hoàng Nam

Tin mới