Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bước ngoặt đẩy quan hệ Mỹ-Trung vào thời kỳ khó lường nhất sau gần 50 năm

(VTC News) -

Việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán được xem là bước ngoặt đẩy quan hệ Mỹ-Trung bước vào thời kỳ khó lường nhất kể từ thập niên 1970.

Bước ngoặt sau 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Năm 1972 đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949. Chuyến đi của Tổng thống Nixon khi đó đặt những nền móng đầu tiên cho việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước vào năm 1979. 

Vài tuần sau khi quan hệ ngoại giao giữa 2 nước được thiết lập, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tới thăm Mỹ. Hình ảnh ông Đặng đội chiếc mũ cao bồi xem đua ngựa ở phía tây Houston, Texas trở thành điểm nhấn nổi bật trong lịch sử quan hệ 2 nước. 

Không lâu sau đó, Trung Quốc đặt lãnh sự quán đầu tiên tại Mỹ ở Houston - nơi đang trở thành trung tâm trong cuộc tranh cãi giữa 2 quốc gia. 

Gác lại những khác biệt về chính trị, Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy quan hệ về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. Tuy nhiên, mối quan hệ này bị gián đoạn một thời gian ngắn sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. 

Cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đội mũ cao bồi khi tới thăm Mỹ. (Ảnh: AP)

Những năm tiếp theo, tăng trưởng kinh tế giữa 2 nước tăng theo cấp số nhân với sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc trong khi thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 350 tỷ USD mỗi năm.

Nhưng vài năm kế đó, mối quan hệ này bị chia rẽ bởi những cơn sóng ngầm. Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, chính quyền Tổng thống Clinton năm 1996 điều động tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan sau khi Trung Quốc bắn tên lửa về phía hòn đảo này.

Năm 2001, chiến cơ Trung Quốc va chạm với trinh sát cơ của Mỹ khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng. 

Khi Trung Quốc phát triển thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, Washington coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh cả về kinh tế và quân sự cũng như mối đe dọa hàng đầu của nước này như nhiều chính sách Mỹ tuyên bố. 

Về mặt quân sự, tàu chiến Mỹ và Trung Quốc thay nhau xuất hiện ở Biển Đông. Về mặt kinh tế, Mỹ kêu gọi đồng minh loại bỏ gã viễn thông khổng lồ Trung Quốc - Huawei ra khỏi các mạng di động của họ. 

Về nhân quyền, Mỹ áp đặt trừng phạt với các chính sách của Trung Quốc tại Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương. 

Hàng loạt quan chức cấp cao Mỹ nhiều tháng, nhiều năm qua liên tục đưa ra các tuyên bố gay gắt nhắm vào Trung Quốc. 

Với những rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện ảnh hưởng tới gần như mọi khía cạnh của quan hệ song phương, cuộc khủng hoảng lãnh sự quán tuần này có thể đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ Trung-Mỹ. 

Tương lai mông lung

Trong tuyên bố đưa ra hôm 23/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng gần 50 năm cam kết về kinh tế và chính trị đã thất bại trong việc tạo ra một lời hứa tươi sáng về quan hệ hợp tác giữa 2 nước. 

Thay vào đó, quan hệ Mỹ-Trung đang bước vào thời kỳ khó lường nhất kể từ thập niên 1970, sau khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston hôm 22/7. 

Washington nói hành động này được thực hiện để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ. 2 ngày sau, Bắc Kinh trả đũa, yêu cầu Washington đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô. 

Các nhà quan sát nhận định vòng xoáy đi xuống này nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. 

Các thùng đồ được di chuyển ra khỏi lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston sau khi Mỹ yêu cầu đóng cửa cơ quan ngoại giao này. (Ảnh: Reuters)

Sourabh Gupta, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ ở Washington cho biết có thể lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston tham gia vào các hoạt động tấn công mạng có liên quan tới Bắc Kinh để đạt được các hoạt động thương mại và ảnh hưởng ở Mỹ. 

"Nhưng tôi không hy vọng rạn nứt sẽ vượt ra ngoài lĩnh vực trao đổi thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và khoa học-công nghệ như vậy, để rồi bắt đầu nuốt chửng mối quan hệ song phương nói chung", ông cho hay. 

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trump yêu cầu đóng của cơ quan ngoại giao nước ngoài. Nhưng họ chưa từng làm vậy với lãnh sự quán Trung Quốc kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 41 năm.

Theo Pang Zhongying, nhà phân tích các vấn đề quốc tế của Đại học Đại dương (Trung Quốc), việc đóng cửa lãnh sự quán Nga ở San Francisco vào tháng 9/2017 là đỉnh điểm của một cuộc tranh chấp ngoại giao kéo dài về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Nhưng nó theo sau các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như việc Matxcơva cắt giảm hơn 700 nhà ngoại giao Mỹ. 

Các nhà quan sát cũng đặt câu hỏi vì sao Mỹ leo thang tình trạng hiện tại bằng cách nhắm mục tiêu vào lãnh sự quán Trung Quốc thay vì các hành động khác như trục xuất các nhà ngoại giao, vốn được cho là có thể phục vụ cho mục đích tương tự nhưng với thiệt hại bớt nghiêm trọng hơn. 

Một số chuyên gia, trong đó có Steve Tsang - Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc của trường SOAS cho rằng động thái mới đây của Mỹ là nhằm cứu vãn công cuộc tái tranh cử của Tổng thống Trump trong bối cảnh chính quyền đương nhiệm đang hứng chịu loạt chỉ trích về cách chống dịch. 

Nhưng chuyên gia này cũng tin rằng kể cả ông Trump có tái đắc cử hay không, cấu trúc trong quan hệ giữa 2 cường quốc đã thay đổi. 

Gal Luft, Giám đốc Viện phân tích an ninh toàn cầu ở Washington có chung quan điểm khi cho rằng quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi tới mức ngay cả trong trường hợp ông Biden đắc cử cũng khó có thể sửa chữa nổi. 

Ông Luft dự đoán nhiều chính sách của Mỹ có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn thời gian tới, bởi chính quyền Trump đang cố gắng gắn kết tình cảm chống Trung Quốc đang sục sôi trong đại dịch. 

Theo giới phân tích, việc Washington sẵn sàng khiêu khích Bắc Kinh có thể sẽ thách thức nỗ lực xây dựng một liên minh chống Trung Quốc, do các nước không muốn trở thành con tốt thí trong cuộc xung đột giữa các siêu cường. 

"Căng thẳng gia tăng nhanh chóng với Mỹ cũng sẽ có tác động lâu dài đến tình hình trong nước của Trung Quốc", Chen Daoyin - một học giả chính trị cho biết. Nhưng ông này cũng tin rằng Trung Quốc vẫn sẽ kiên quyết đáp trả, ăn miếng trả miếng với Mỹ. 

Chu Yin, giáo sư tại Đại học Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh phân tích, một số người Mỹ ủng hộ sự gắn kết giữa 2 nước đã rất thất vọng vì sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu vốn ngăn cản sự thay đổi theo hướng dân chủ mà họ kỳ vọng.  

Về tương lai quan hệ 2 nước, ông Chu từ chối đưa ra dự báo và cho rằng cần kiên nhẫn hơn vào thời điểm hỗn loạn này. 

Song Hy (Nguồn: SCMP, AP)

Tin mới