Theo các chuyên gia, bụi mịn PM2.5 là loại bụi siêu nhỏ, có kích thước dưới 2,5 micromet trở xuống được hình thành từ các chất như cacbon, sunphua, nito và nhiều chất kim loại khác.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, bụi mịn được sinh ra hầu hết từ khí thải phương tiện giao thông bao gồm: xe máy, ô tô, xe bus… Nhiều nhất là các xe, máy chạy bằng dầu ở các nhà máy, công trình xây dựng, đốt cháy rác thải hoặc gỗ ở các nhà máy.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, mức PM2.5 lý tưởng trong không khí là 10 µg/m3. Tại Mỹ, lượng PM2.5 từ 0 - 12,0 là TỐT; từ 12,1 - 35,4 là TRUNG BÌNH; từ 35,5 - 55,4 là NGUY HIỂM cho người nhạy cảm; 55,5-150,4 mức NGUY HIỂM; từ 150,5 - 250,4 là RẤT NGUY HIỂM và từ 250,5 trở lên là ĐỘC HẠI.
Bụi mịn có khả năng 'xuyên' hàng rào bảo vệ của khẩu trang thông thường, “len lỏi” sâu trong phổi, đi trực tiếp vào máu và các phế nang, ảnh hưởng sức khỏe con người.
Tại Việt Nam, chỉ số bụi mịn đo được tại Hà Nội ngày hôm qua 17/9 lên tới 11,3 µg/m3, cao gấp 4,5 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11,1 lần trung bình năm của (WHO).
Khi nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí trông có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này cũng tương tự như khi thời tiết có độ ẩm cao hoặc sương mù; cộng với nền thời tiết đang chuyển giao, nhiều người hiện lo lắng cho sức khỏe của mình và người thân.
Nguy hiểm hơn, do có kích thước siêu nhỏ, nhỏ hơn so với sợi tóc con người tới 30 lần nên bụi mịn có khả năng bỏ qua hàng rào bảo vệ của khẩu trang thông thường, “len lỏi” sâu trong phổi, đi trực tiếp vào máu và các phế nang để gây ảnh hướng cho sức khỏe con người.
Người hít phải bụi mịn nhẹ có thể bị sổ mũi, hắt hơi, khó thở, ho kéo dài và rối loạn đường thở. Còn với trường hợp bị nặng, hít phải bụi mịn trong thời gian dài có thể mắc một số bệnh nghiêm trọng như: viêm phổi, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn hay thậm chí là cả ung thư.
Trước hiện trạng ô nhiễm nặng nề của Hà Nội trong những ngày qua, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra đường giờ cao điểm, đặc biệt là nhóm người già, trẻ em, người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp mạn tính có xu hướng cần phải thở nhiều.
Nếu bắt buộc phải ra ngoài, bạn cần chú ý những điều sau:
- Đeo khẩu trang hoạt tính: Những loại khẩu trang này sẽ làm giảm số lượng các chất ô nhiễm hít phải, ngăn ngừa các vấn đề về hô hấp như: ngứa cổ họng, khó thở, thở khò khè, ho… Có thể dùng các loại khẩu trang chống bụi có chỉ số KF80, 94 hoặc 99 (chỉ số càng cao, khẩu trang càng lọc được nhiều bụi).
- Đeo kính để bảo vệ mắt, giảm tác hại của không khí ô nhiễm. Hạn chế đeo kính áp tròng. Nhỏ dung dịch làm sạch và khử trùng mắt sau khi về nhà.
- Tránh lui tới những nơi có đông phương tiện qua lại, khu vực đông đúc, khu công nghiệp, gần đường cao tốc hoặc đường lớn.
- Nếu nhà ngay mặt đường, tránh mở cửa sổ phía ngoài đường. Nếu đó là cửa sổ duy nhất trong nhà, hãy mở khi thời tiết mát mẻ, trời tối, ít phương tiện qua lại.
- Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch bằng việc thường xuyên tập thể dục cũng như thay đổi chế độ ăn tốt cho sức khỏe. Tránh tập thể dục, hoạt động thể chất vào giờ cao điểm để hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
- Chú ý chế độ ăn uống với các loại thực phẩm giàu vitamin, nhiều rau xanh để giúp cơ thể tăng sức đề kháng, miễn dịch, hỗ trợ cơ thể dẻo dai có khả năng loại bỏ độc tố, chống lại bệnh tật.