Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bức tranh ảm đạm của hàng quán TP.HCM sau khi mở cửa

Trong khi các quán nhậu và quán ăn vỉa hè tại TP. HCM nhộn nhịp khách thì nhiều nhà hàng lại ế ẩm, nhiều nơi chưa mở cửa hoặc thông báo sang nhượng cửa hàng.

Hơn 19h tối, nhà hàng Kohaku Shusi tại Vincom Center Landmark 81 (quận Bình Thạnh) chỉ có đúng một khách. Quản lý nhà hàng cho biết việc lượng khách đến trung tâm thương mại còn thấp, nhân viên chỉ đủ 30% và quy định chỉ được phép hoạt động đến 21h đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của đơn vị sau khi mở cửa trở lại.

Đến tận 19h30, nhà hàng này mới có thêm 2 khách. "Đây là buổi đầu tiên tôi quay lại trung tâm thương mại. Ý định của tôi là đi ăn tối và ghé cửa hàng Uniqlo nhưng nhân viên hãng thời trang này thông báo chỉ hoạt động đến 20h30 nên chúng tôi quyết định chỉ vào ăn, không đi mua sắm nữa", chị Thu - khách ăn tại nhà hàng - nói.

Thực tế, 10 ngày sau khi chính quyền TP.HCM cho phép phục vụ khách tại chỗ, nhiều nhà hàng và quán ăn vẫn chưa mở cửa trở lại, một số khác mở cửa nhưng đìu hiu khách, thiếu hụt nhân viên trầm trọng.

Hơn 19h tối, nhà hàng Kohaku Shusi trong trung tâm thương mại chỉ có duy nhất một khách. Ảnh: M.D.

"Có ngày chỉ được 1-2 nhóm khách"

"Mở cửa trở lại được 3 ngày nay nhưng lượng khách chỉ được khoảng 20-30% so với trước", chị Lê Thị Hiền - chủ quán Cốc Café & beer tại TP Thủ Đức - thở dài.

Sau hơn 4 tháng dừng hoạt động, được cho phép mở bán tại chỗ, chủ quán này cũng phải mất gần 1 tuần để tìm nhân viên pha chế, đầu bếp và nhân viên phục vụ để mở cửa trở lại. "Tuy nhiên, khi mở lại rồi thì lượng khách giảm rất nhiều trong khi chi phí khác vẫn phải trả đủ", chị nói.

Tương tự, ông Hoàng Văn Thuận - chủ nhà hàng Nga Thịnh 5 (quận Gò Vấp) - cho biết nhà hàng mở lại ngay khi TP. HCM cho phép bán tại chỗ nhưng lượng khách đông chỉ tập trung vào khoảng 3 ngày đầu. "Mấy ngày sau lượng khách giảm hẳn, thậm chí có những ngày ế ẩm, chỉ được 1-2 nhóm khách", ông tâm sự.

Chủ nhà hàng này cho rằng vì quy định không cho uống rượu bia và yêu cầu đóng cửa sau 21h khiến khách hàng không mặn mà đến quán. "Tất cả chi phí như xăng, gas, nguyên liệu rau củ đều tăng cao nhưng lượng khách thì giảm mạnh. Không biết có trụ nổi nữa hay không khi khách hàng thì không có, quán lại không dám tăng giá bán", ông than.

Nhiều hàng quán ế ẩm khách sau khi mở bán tại chỗ. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo ông Thuận, hiện nay nhiều nhà hàng lớn cũng chưa dám mở cửa vì nhân viên, đầu bếp thiếu hụt trong khi các chi phí tăng cao. "Khi chưa mở cửa, chỉ lỗ một phần tiền mặt bằng, nhưng khi mở ra sẽ gánh thêm rất nhiều chi phí khác trong khi lượng khách không nhiều như trước", ông nhìn nhận.

Thực tế, nhiều nhà hàng khác cũng cho biết việc quán vắng khách bởi còn vướng nhiều quy định của UBND thành phố như chỉ cho phép phục vụ ăn uống, chưa cho sử dụng rượu, bia và phải đóng cửa trước 21h. Chưa kể, sau đại dịch người dân ngày càng có xu hướng thắt chặt chi tiêu khiến lượng khách đến quán rất ít, doanh thu bị ảnh hưởng.

Dọc hàng quán ở 2 bên đường Nguyễn Trãi, Phó Đức Chính (quận 1) chưa đến 20h cũng đã ngừng nhận khách mới. Đường Bùi Viện (quận 1) cũng trong tình cảnh ảm đạm, vắng khách dù mới chỉ 20h. Trong khi là buổi tối cuối tuần, dọc tuyến phố từng sầm uất với rất nhiều nhà hàng và quán bar nay chỉ có một vài nơi mở cửa, tiếp lượng khách thưa thớt đến ngồi ăn uống.

Từ hôm được mở cửa bán hàng trở lại, quán chúng tôi ít khách lắm, tối cuối tuần cũng chỉ lác đác vài người đến ngồi ăn uống. Như trước đây, chúng tôi bận rộn làm việc, đâu có được ngồi yên thế này”, chị Yến, nhân viên một quán bar, chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Ẩn - đại diện Gong Cha Việt Nam - thừa nhận lượng khách tại các cửa hàng giảm dần so với những ngày đầu mở cửa bán tại chỗ. "Nếu như ngày đầu mở bán lượng khách khoảng 90% thì hiện nay chỉ duy trì khoảng 70% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái", ông nói.

Theo ông Ẩn, do sinh viên vẫn chưa quay trở lại TP.HCM, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nhân viên văn phòng cũng chưa nhiều khiến lượng khách chưa đạt được như kỳ vọng.

Trong khi các nhà hàng đìu hiu khách thì các quán nhậu, quán ăn vỉa hè nhộn nhịp khách khi mở cửa trở lại. Ghi nhận tại phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4) hơn 19h, hàng quán tại đây đông nghịt khách, đa số các quán ăn đều không giãn cách bàn, bán rượu, bia và phục vụ quá 50% công suất.

Nhân viên một quán ốc cho biết quán mở cửa cả ngày lẫn đêm. "Đóng cửa mấy tháng trời nên phải mở cửa bù lại doanh thu, đóng cửa 21h sao được", nhân viên này nói.

Chưa mở cửa hoặc trả mặt bằng hàng loạt

Khảo sát của Zing trên nhiều tuyến phố lớn tại TP.HCM như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập (quận 7), Nguyễn Duy Trinh, Linh Đông (TP Thủ Đức), Vạn Kiếp, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh)... nhiều hàng quán vẫn đóng cửa then cài, dán biển cho thuê mặt bằng.

Ngày 1/11, anh Mạnh (TP Thủ Đức) phải chật vật tìm chỗ ăn trưa cùng đồng nghiệp sau khi gọi điện tới 4-5 nhà hàng đều được thông báo chưa mở cửa. Tương tự, chủ quán ốc ở quận 1 cũng thông báo 10 ngày nữa mới mở cửa trở lại vì để tuyển thêm nhân viên, sửa sang lại quán.

Thực tế, hiện nay trong khi nhiều nhà hàng, quán ăn đã mở cửa trở lại thì cũng có không ít đơn vị vẫn đóng cửa hoặc chỉ bán mang đi. Chủ quán cơm tấm trên đường Đoàn Văn Bơ (quận 4) cho biết quán vẫn chỉ phục vụ bán mang đi, chưa bán tại chỗ vì tình hình dịch vẫn còn phức tạp. "Hơn nữa gia đình có người già bị bệnh nền nên cũng lo lắng khi mở bán tại chỗ", chủ quán cho hay.

Trên các tuyến phố Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng hay Hồ Tùng Mậu (quận 1) - nơi tập trung nhiều quán trà sữa - nay cũng chỉ còn lác đác vài thương hiệu. Gần 90% các tiệm trà sữa ở các con phố này đã phải đóng cửa, treo thông báo cho thuê, sang nhượng mặt bằng với mức giá thuê từ 7.000-9.000 USD/tháng.

Các căn nhà mặt tiền chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống ở những tuyến phố lớn tại quận 1 tiếp tục cảnh đóng cửa và dán chằng chịt những tấm biển thông báo cho thuê. Ảnh: Chí Hùng.

Trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều chủ quán cà phê, nhà hàng ăn uống cũng đồng loạt rao bán, sang nhượng cửa hàng vì không thể tiếp tục gồng gánh chi phí mặt bằng và các chi phí khác.

Trong khi đó các chuỗi kinh doanh F&B lớn cũng đóng cửa một số chi nhánh vì tính hiệu quả không đạt được như kỳ vọng hoặc không thỏa thuận được giá thuê mặt bằng.

Ông Lê Hoài Nam - Phó tổng giám đốc vận hành Công ty QSR Việt Nam - cho biết trong đợt dịch vừa qua doanh nghiệp cũng cố gắng cầm cự duy trì số lượng nhà hàng nhưng phải bắt buộc đóng cửa hoàn toàn một vài chi nhánh vì không được hỗ trợ tiền mặt bằng hoặc hỗ trợ rất ít.

Ông cho rằng hiện nay doanh nghiệp trong ngành dịch vụ ăn uống dù mở cửa trở lại nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn về chi phí đầu vào, thuế... "Những cửa hàng kinh doanh thua lỗ thì phải đóng cửa. Nhiều thương hiệu lớn khác cũng đóng cửa hàng loạt trong đợt dịch vừa qua", ông cho biết thêm.

Về phía Gong Cha, ông Ẩn cho biết trước dịch doanh nghiệp có 22 cửa hàng tại TP. HCM. Tuy nhiên trong thời gian giãn cách xã hội, chuỗi đồ uống này phải đóng cửa 2 cơ sở. "Một cửa hàng do không thương lượng được giá thuê mặt bằng nên phải đóng cửa, cửa hàng còn lại đóng cửa để tối ưu chi phí", ông nói.

Nguồn: Zing News

Tin mới