Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bốn điểm yếu của ngành y tế TP.HCM trong đại dịch COVID-19

(VTC News) -

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nêu những điểm yếu của ngành y tế thành phố trong đợt dịch thứ 4 (27/4 - 30/9).

Chiều 30/10, phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 trong đợt dịch thứ 4, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đợt dịch vừa qua đã bộc lộ những điểm yếu của ngành y tế thành phố, dẫn đến quá tải trong điều trị bệnh nhân.

Theo ông Châu, điểm yếu đầu tiên là khả năng dự báo. Do đây là đại dịch mới, chưa từng có tiền lệ, chủng Delta lây lan quá nhanh, chưa từng xảy ra nên chưa có những ứng xử kịp thời. Dịch bệnh lây nhanh trong thời gian ngắn, trong khi đó dân cư đông đúc nhưng lại chưa có dự báo kịp thời khiến số ca mắc mới tăng lên nhanh chóng.

“Công tác dự báo chưa sát với thực tế, chưa theo kịp diễn tiến của dịch, sự lây lan nhanh của dịch. Biến chủng Delta đã được cảnh báo từ sớm nhưng việc dự báo chưa theo kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh để có phương án ứng phó phù hợp”, ông Châu nhận định.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu. (Ảnh: TTBC TP.HCM)

Hạn chế thứ hai, theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM là do thời điểm đầu đỉnh dịch, năng lực xét nghiệm RT-PCR chưa tương xứng với dịch bệnh. Xét nghiệm PCR chậm, mất đi thời điểm kịp thời để tách F0 khỏi cộng đồng. Thời kỳ đầu đỉnh dịch, kỹ thuật xét nghiệm rRT-PCR là phương pháp chủ yếu để xác định F0.

Kỹ thuật rRT-PCR cần thời gian, năng lực xét nghiệm chưa tương xứng với tốc độ lây lan quá nhanh của chủng Delta. Tốc độ lây nhiễm càng cao, dịch lan sâu vào trong cộng đồng. Có thời điểm thành phố lấy mẫu rất nhiều nhưng kết quả trả về khá trễ. Qua mất thời điểm bóc tách F0 khỏi cộng đồng", ông Châu cho biết.

Điểm yếu thứ 3 bộc lộ trong chiến dịch tiêm vaccine. Thời gian qua, TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm chủng chưa từng có trong lịch sử, chưa có khả năng đồng đều trong tiêm vaccine và chưa đủ giãn cách. Công tác nhập số liệu chưa đảm bảo, tuân thủ giãn cách ở người đến tiêm chưa tốt.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng chỉ rõ hạn chế của thành phố khi cách ly tập trung toàn bộ F0 gây quá tải. Trước tháng 7, Bộ Y tế và thành phố chủ trương tất cả F0 đều cách ly tập trung. Tuy nhiên, khi F0 tăng quá nhanh, hàng loạt bệnh viện dã chiến liên tiếp được hình thành nhưng không đáp ứng kịp.

"Số lượng F0 quá nhiều thì khả năng chăm sóc của nhân viên y tế cũng quá tải. Từ đó mới có tình trạng nhiều F0 không được chăm sóc toàn diện, chuyển viện kịp thời và tử vong", ông Châu nói.

Ngoài ra, hệ thống y tế cũng chưa dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập trước đó. Hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch còn manh mún, chưa khoa học và đồng bộ.

Bên cạnh những hạn chế, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ ra những mô hình hay, hiệu quả trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, như mô hình tháp 3 tầng thu dung điều trị, mô hình trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà, mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022, mô hình hoán cải xe vận chuyển hành khách thành cứu thương,... 

Trong đó, mô hình trạm y tế lưu động nhằm chăm sóc F0 tại nhà đã tạo được tâm lý thoải mái, an toàn cho bệnh nhân. Trong bối cảnh y tế địa phương quá tải, mô hình trạm y tế lưu động do Bộ Quốc phòng hỗ trợ, thiết lập 525 trạm y tế lưu động. Các trạm y tế lưu động đã quản lý F0, cung cấp các gói thuốc, cung cấp ôxy, chuyển bệnh nhân chuyển nặng đến các bệnh viện, giảm quá tải và áp lực cho các bệnh viện. 

Ngoài ra còn các mô hình như: Mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng của Trường Đại học Y dược TP.HCM; Mô hình “Bệnh viện chị em”; Mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng từ bệnh viện dã chiến TP và trung tâm hồi sức COVID-19; Mô hình Trung tâm HOPE… đã góp phần đưa đến hiệu quả phòng chống dịch tại TP.HCM.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, để ứng phó với dịch bệnh thời gian tới, TP.HCM cần xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo dịch; Xây dựng các kịch bản và tình huống tương ứng từng cấp độ dịch là rất cần thiết và mang ý nghĩa quyết định cho sự chủ động khi ứng phó với dịch bệnh; Kịp thời phát hiện các địa bàn có nguy cơ chuyển sang cấp độ dịch cao  hơn để chủ động có giải pháp can thiệp.

Thành phố tổ chức cách ly F0 để ngăn chặn sự lây lan là cần thiết nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung. Chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà, xây dựng nhiều khu cách ly quy mô nhỏ gắn với địa bàn phường, xã.

TP.HCM cần phát huy chiến lược điều trị theo 2 trụ cột: Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Thành phố huy động nguồn lực, phát huy hiệu quả mô hình y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà; Củng cố hệ thống điều trị 3 tầng nhằm chăm sóc tốt nhất cho người bệnh và hạn chế tối đa nguy cơ chuyển viện...

MAI THÚY

Tin mới