Hơn 3 thập kỷ gắn bó cùng người tiêu dùng Việt, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã trở thành biểu tượng của mô hình hợp tác xã hiện đại. Từ một đơn vị nhỏ ra đời năm 1989, giữa bối cảnh đổi mới kinh tế, Saigon Co.op đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế nhà bán lẻ hàng đầu, phục vụ hơn một triệu lượt khách mỗi ngày.
Đằng sau những con số ấn tượng ấy là câu chuyện về sự quyết tâm, tầm nhìn chiến lược và tinh thần đổi mới không ngừng. Để hiểu rõ hơn về những cột mốc quan trọng và giá trị mà Saigon Co.op đã tạo dựng, Báo điện tử VTC News có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op.
Xem trọn vẹn buổi phỏng vấn trên kênh YouTube CEO Talk
- Sau 35 năm phát triển, ông có thể chia sẻ về những yếu tố đặc biệt đã đưa Saigon Co.op trở thành nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam?
Có thể nói, Saigon Co.op là một minh chứng sống động cho mô hình kinh tế tập thể, mang đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành lập năm 1989, ngay sau công cuộc đổi mới kinh tế năm 1986, Saigon Co.op không chỉ là thành quả của thời kỳ đổi mới mà còn đóng góp cho sự phát triển của kinh tế tập thể tại Việt Nam.
Thành công của Saigon Co.op là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Trước hết, định hướng đúng đắn từ Đảng và Nhà nước đã tạo nền tảng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của Saigon Co.op. Thứ hai, sự cống hiến và trí tuệ của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên, đặc biệt là những người đặt nền móng cho Saigon Co.op, đã tạo nên giá trị phát triển bền vững.
Quan trọng không kém là sự tin yêu và ủng hộ của người tiêu dùng Việt Nam. Đây chính là động lực giúp Saigon Co.op trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu. Cuối cùng, sự hợp tác đa dạng với các đối tác trong và ngoài nước, từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các tập đoàn lớn, đã tạo nên hệ sinh thái mạnh mẽ cho Saigon Co.op.
Nhìn lại hành trình 35 năm phát triển, chúng tôi tự hào nhất là Saigon Co.op không chỉ là một doanh nghiệp bán lẻ mà còn là biểu tượng cho mô hình hợp tác xã tiên tiến. Saigon Co.op luôn gắn bó, đồng hành cùng xã hội, không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế đầy biến động.
- Với ông, đâu là những cột mốc đáng nhớ trong chặng đường phát triển của Saigon Co.op?
Có nhiều cột mốc đáng nhớ trong hành trình phát triển của Saigon Co.op. Tôi xin điểm qua những cột mốc quan trọng nhất. Đầu tiên là năm 1989 - thời điểm đánh dấu sự ra đời của Saigon Co.op từ Ban quản lý hợp tác xã mua bán, trở thành biểu tượng của phong trào hợp tác xã trong thời kỳ đổi mới.
Thứ hai là sự chuyển mình vào năm 1996, khi Saigon Co.op chính thức bước vào lĩnh vực bán lẻ, khai trương siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh – một dấu mốc quan trọng, định hình mô hình phân phối hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Thứ ba là giai đoạn 2003-2004 - đây là bước ngoặt đưa Saigon Co.op phát triển sâu rộng hơn, bao gồm việc đầu tư vào hệ thống phân phối tập trung, áp dụng công nghệ thông tin, và mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành ngoài TP.HCM.
Cột mốc tiếp theo là đa dạng hóa mô hình bán lẻ từ năm 2010 trở đi - Saigon Co.op đã phát triển khoảng 10 mô hình bán lẻ, phục vụ nhiều phân khúc khách hàng và nhu cầu khác nhau, từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến các mô hình hợp tác độc đáo với các đối tác trong và ngoài nước.
Giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng là thời kỳ thử thách lớn, nhưng Saigon Co.op đã vượt khó, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, đồng hành cùng xã hội, người dân, đối tác vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cuối cùng là ứng dụng công nghệ số. Hiện, Saigon Co.op đang chuyển mình mạnh mẽ với công nghệ số, từ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây đến các hệ thống đa phức hợp. Đây là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ mới.
- Hiện, Saigon Co.op là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nhưng vẫn giữ mô hình hợp tác xã. Nhiều người cho rằng mô hình này đã cũ, ông có thể chia sẻ cách Saigon Co.op đổi mới nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi?
Bản chất của tổ chức hợp tác xã là một người vì mọi người, mọi người vì một người. Đây không chỉ là nguyên tắc vận hành mà còn là kim chỉ nam xuyên suốt của Saigon Co.op. Chúng tôi đặt sứ mệnh phục vụ cộng đồng, đất nước và xã hội làm trung tâm trong mọi hoạt động.
Dù giữ mô hình hợp tác xã, Saigon Co.op không ngừng đổi mới để thích nghi với thị trường. Luật Hợp tác xã đã có nhiều thay đổi, gần nhất là vào năm 2023, cho phép mô hình hợp tác xã tiến bộ và phù hợp hơn với xu thế phát triển kinh tế trong nước và quốc tế. Saigon Co.op kết hợp mô hình hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác, tạo nên giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu thị trường mà vẫn giữ được bản sắc.
- Lựa chọn gắn bó "sống còn" với hàng Việt ngay từ khi thành lập, điều gì khiến Saigon Co.op quyết định như vậy?
Saigon Co.op là thành quả của người Việt, phục vụ người Việt và vì người Việt. Chính vì vậy, chúng tôi luôn ưu tiên hàng Việt. Ngay từ năm 1996, trước cả khi cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai, chúng tôi đã xây dựng chương trình Hàng Việt.
Hỗ trợ hàng Việt không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách chúng tôi góp phần vào sự phát triển của đất nước. Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt tại Saigon Co.op duy trì ở mức khoảng 90%. Với những mặt hàng sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu, chúng tôi luôn ưu tiên gần như 100%. Còn với các mặt hàng mà thị trường trong nước chưa đáp ứng được, chúng tôi tìm kiếm những giải pháp nhập khẩu phù hợp để phục vụ khách hàng tốt nhất.
Những mặt hàng thực phẩm, nông sản, thủy hải sản của Việt Nam hiện là nhóm sản phẩm ưu tiên hàng đầu tại hệ thống của chúng tôi. Các sản phẩm này không chỉ có chất lượng cao mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác.
Ngoài ra, Saigon Co.op còn phát triển nhóm hàng nhãn riêng như Co.op Happy, Select, Fine Life, mang đến sự đảm bảo về chất lượng, giá cả lẫn độ tin cậy. Chúng tôi cũng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, từ khởi nghiệp đến phát triển bền vững, giúp họ nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
- Bí quyết nào để Saigon Co.op duy trì vị trí nhà bán lẻ hàng đầu, thưa ông?
Bí quyết của chúng tôi nằm ở 3 yếu tố. Thứ nhất, luôn duy trì giá trị cốt lõi của mô hình hợp tác xã, đảm bảo rằng mọi hoạt động đều vì lợi ích của cộng đồng.
Hai là, chúng tôi đặt tâm huyết phục vụ làm trọng tâm. Mỗi cán bộ, nhân viên Saigon Co.op được đào tạo để luôn thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tận tâm, chu đáo. Chúng tôi triển khai các chương trình như “Hoa tận tâm” nhằm tôn vinh những cá nhân phục vụ tốt nhất, từ đó lan tỏa tinh thần này trong toàn hệ thống.
Ba là, Saigon Co.op luôn lắng nghe, không ngừng đổi mới để đáp ứng xu thế thị trường. Chúng tôi không bảo thủ mà sẵn sàng học hỏi, áp dụng những mô hình mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hàng hóa.
Ngoài ra, đứng trước việc thị trường bán lẻ trong nước hiện đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cả từ doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Saigon Co.op nhìn nhận đây là cơ hội để học hỏi và cải thiện.
Chúng tôi phải rà soát lại năng lực cốt lõi của mình, xác định đâu là thế mạnh và tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có ưu thế cạnh tranh. Đồng thời, chúng tôi không ngại hợp tác với các đối tác để cùng phát triển thị trường, miễn là hướng tới lợi ích chung cho cả ngành bán lẻ Việt Nam.
- Theo ông, điều gì khiến khách hàng luôn cảm nhận được sự tận tâm từ Saigon Co.op?
Chúng tôi có triết lý “khách hàng không bao giờ sai”. Nếu có bất kỳ phản ánh nào từ khách hàng, đội ngũ của chúng tôi đều nghiêm túc tìm hiểu và khắc phục triệt để.
Tinh thần tận tâm không chỉ nằm ở việc phục vụ trực tiếp tại các điểm bán mà còn ở mọi khâu, từ chọn lọc hàng hóa, đảm bảo chất lượng dịch vụ, đến xây dựng chính sách phù hợp với nhu cầu khách hàng. Chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để cải thiện, đổi mới, mang lại trải nghiệm tốt nhất.
- Hàng hóa Việt Nam gần đây đã có nhiều cải thiện đáng kể nhưng thực tế cho thấy, các sản phẩm nhập khẩu vẫn được khách hàng Việt Nam săn đón. Vậy, làm thế nào để hàng Việt có thể cạnh tranh một cách toàn diện, thưa ông?
Đúng là hàng Việt Nam hiện đã có sự tăng trưởng đáng kể cả về quy mô và chất lượng. Thống kê gần đây cho thấy, ngay cả trên các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vẫn tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, trong nước, tỷ lệ hàng Việt trong tổng thị phần lại giảm nhẹ ở một số phân khúc.
Đây không phải là do hàng Việt thua kém về chất lượng, mà một phần xuất phát từ sở thích của người tiêu dùng và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước. Nhu cầu trong nước rất đa dạng, và có những sản phẩm Việt chưa thể đáp ứng tốt như các quốc gia khác. Do đó, chúng ta cần nhận diện rõ các thế mạnh của mình và tập trung phát triển các mặt hàng có tính đặc thù và lợi thế cạnh tranh.
Để nâng cao chất lượng và giá trị hàng Việt, theo tôi, cần tập trung vào 3 hướng chính. Thứ nhất, quy hoạch sản phẩm theo vùng miền. Hiện nay, nhiều địa phương trồng cùng loại cây hoặc sản xuất các sản phẩm tương tự, dẫn đến cạnh tranh nội bộ và lãng phí nguồn lực. Chúng ta cần có quy hoạch rõ ràng để phát huy tối đa tiềm năng từng khu vực.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng đổi mới sáng tạo trong sản xuất và cung ứng. Hàng Việt cần được tích hợp công nghệ, cải tiến mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng, xây dựng các thương hiệu hạt giống quốc gia. Chúng ta cần chọn ra những sản phẩm đặc trưng mà chỉ Việt Nam mới có, như vải thiều, cà phê, hay nước mắm, và tập trung phát triển chúng thành biểu tượng thương hiệu. Đây không chỉ là câu chuyện của một loại hàng hóa mà còn là cách quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
- Ông có thể nói rõ hơn về cách Saigon Co.op tiếp cận thị trường trong giai đoạn này?
Đây là một giai đoạn thú vị. Tôi dùng từ "thú vị" bởi vì thị trường hiện nay có rất nhiều ngã rẽ, và chúng ta phải lựa chọn một cách khôn ngoan để tồn tại và phát triển.
Ví dụ, trong kỷ nguyên số hóa, việc lựa chọn nền tảng công nghệ, ứng dụng hay phương thức vận hành là những yếu tố quyết định sự thành bại. Saigon Co.op đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để nâng cao trải nghiệm mua sắm và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Đồng thời, chúng tôi luôn tìm kiếm những "làn đường" phù hợp để phát triển, tập trung vào những điều mà các đối thủ khó có thể sao chép, như sự thấu hiểu thị trường nội địa hay mạng lưới phân phối sâu rộng.
- Như ông nói, sự cạnh tranh hiện nay không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội. Vậy ông kỳ vọng gì về tương lai của thị trường bán lẻ Việt Nam?
Tôi kỳ vọng thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh, không chỉ về quy mô mà còn về chất lượng. Khi thị trường phát triển, dù miếng bánh của một doanh nghiệp có thể nhỏ đi, nhưng tổng thể giá trị của miếng bánh sẽ lớn hơn, và chúng ta vẫn sẽ nhận được phần lợi ích tương xứng.
Quan trọng nhất, chúng tôi muốn khẳng định rằng Saigon Co.op không chỉ là một doanh nghiệp mà còn là đại diện cho giá trị bền vững của hàng Việt. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
- Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như vũ bão, tỷ lệ phát triển và chiến lược của Saigon Co.op với lĩnh vực này sẽ thế nào?
Thương mại điện tử là một xu hướng không thể bỏ qua. Nếu bạn đầu tư, sẽ tốn rất nhiều tiền và có thể chịu lỗ nặng nề trong giai đoạn đầu. Nhưng nếu không đầu tư, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Vì thế, chúng tôi phải chọn cách đi phù hợp, dựa trên các giá trị cốt lõi của mình. Chúng tôi kết hợp thương mại điện tử với các mô hình bán hàng không qua cửa hàng để thích ứng linh hoạt với thị trường.
- Ông từng chia sẻ rằng Saigon Co.op cần làm những điều mà các đối thủ nước ngoài không thể làm được. Cụ thể, đó là những gì?
Điểm đặc biệt của Saigon Co.op nằm ở mô hình hợp tác xã. Đây là một lợi thế mà các doanh nghiệp khác rất khó sao chép. Chúng tôi tự hào là một trong 300 hợp tác xã lớn nhất thế giới, tận dụng được sự kết nối với các sản phẩm Việt Nam, nhất là sản phẩm OCOP và các nguồn lực từ liên minh hợp tác xã.
Thêm vào đó, chúng tôi hiểu người Việt sâu sắc hơn bất kỳ đối thủ nào. Từ thành thị đến nông thôn, mỗi khu vực đều có nhu cầu riêng. Sự hiểu biết này giúp Saigon Co.op phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, tạo nên lợi thế cạnh tranh độc đáo.
- Từng không thành công trong thương vụ mua lại Big C, sắp tới, Saigon Co.op có tiếp tục chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A) với các thương hiệu khác không?
Thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô đặc thù, thường chỉ có 3-4 nhà bán lẻ lớn trong top 20 toàn cầu hoạt động ổn định. Khi một doanh nghiệp lớn rút lui, doanh nghiệp khác sẽ thế chỗ.
Hiện tại, tôi cho rằng các thương vụ M&A lớn sẽ không diễn ra nhiều. Tuy nhiên, việc mua bán, sáp nhập các chuỗi nhỏ hoặc cửa hàng độc lập có thể xảy ra, đặc biệt ở lĩnh vực phân phối phi truyền thống như thương mại điện tử và các mô hình không qua cửa hàng.
- Là nhà bán lẻ tiên phong mở rộng ra các vùng nông thôn và vùng khó khăn, chiến lược này có đem lại lợi nhuận cho Saigon Co.op không?
Khi tiên phong, chắc chắn chúng tôi phải đối mặt với khoản lỗ ngắn hạn, đặc biệt ở những nơi khách hàng chưa quen với mô hình hiện đại. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận khó khăn để xây dựng lòng tin và thị phần lâu dài.
Ví dụ, tại Cần Giờ (TP.HCM) hay các xã đảo khó khăn, Saigon Co.op vẫn nỗ lực thiết lập các điểm bán, không ngại thách thức. Chúng tôi coi đây là cách để tạo dựng tình cảm với khách hàng – những người sau này sẽ luôn nhớ rằng, khi khó khăn nhất, Saigon Co.op là đơn vị đã đồng hành cùng họ.
- Còn việc hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa để nâng cao tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống của Saigon Co.op được thực hiện thế nào?
Suốt 15 năm qua, chúng tôi tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình này không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động thực tiễn xuyên suốt.
Saigon Co.op biến “Hàng Việt” thành niềm tự hào, không chỉ trong hệ thống của chúng tôi mà còn trong tâm thức người tiêu dùng. Chúng tôi hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa cải thiện chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng kênh tiêu thụ, từ nông thôn đến thành thị và ra thị trường quốc tế.
- Nhìn lại quá trình hoạt động, Saigon Co.op rút ra bài học gì từ sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường?
Cạnh tranh là tất yếu, nhất là khi thị trường Việt Nam thu hút các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng, muốn tồn tại, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về pháp lý, chiến lược và nhân sự.
Đồng thời, Saigon Co.op luôn giữ vững giá trị cốt lõi - Phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Chính sự khác biệt này giúp chúng tôi đứng vững trước sự cạnh tranh và tạo nên bản sắc riêng biệt.
-Xin cảm ơn ông!