Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bom Mỹ dội trạm phát sóng VOV: 9 phút đi vào lịch sử Tiếng nói Việt Nam

(VTC News) -

Chỉ 9 phút sau khi bị bom Mỹ đánh phá, làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam lại cất cao, vang xa trong mưa bom khói đạn, kết nối hàng triệu con tim Việt Nam.

Trong 12 ngày đêm làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, có một sự kiện đã đi vào lịch sử ngành Phát thanh Việt Nam, một sự kiện mà người dân Hà Nội và cả nước không thể nào quên, đó là khi máy bay Mỹ đánh phá Đài Phát sóng Mễ Trì khiến làn sóng chủ lực của quốc gia bị gián đoạn. 

Máy bay B-52 của Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc năm 1972.

"Tiếng nói Việt Nam" cất cao giữa mưa bom bão đạn

Gần 50 năm trôi qua, hồi ức về những ngày tháng 12 lịch sử đầy khói đạn mà hào hùng vẫn in đậm trong tâm trí của những cựu cán bộ, kỹ thuật viên, lính tự vệ Đài Phát sóng Mễ Trì, Đài Tiếng nói Việt Nam.

48 năm trước, ông Dương Xuân Trường - Tổ trưởng tổ Cơ điện trực tiếp có mặt chứng kiến từ đợt bom đầu tiên.

Ông Trường kể, cuối năm 1972, Trung ương Đảng cho biết Mỹ sẽ ném bom khu vực Hà Nội và địch sẽ đánh đài phát thanh với âm mưu mà chúng gọi là “Bịt miệng Cộng sản, đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”.

Để đối phó lại, Trung ương và lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy có chủ trương phân tán các máy phát thanh đến những nơi an toàn, như núi Chùa Thầy, núi Chùa Trầm, núi Cời Chúc Sơn - CK2, núi tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng và cả Côn Minh (Trung Quốc). 

Gần 60 cán bộ, công nhân viên, kỹ thuật viên của Đài lúc bấy giờ đã chuẩn bị tinh thần sơ tán để đảm bảo an toàn về người và thiết bị, đặc biệt là những kho đèn điện tử và linh kiện điện tử rất quý lúc bấy giờ được nhập từ nước ngoài. Kho đèn và linh kiện được di chuyển vào chùa Thiên Trúc làng Mễ Trì Thượng.

"Lúc ấy chỉ một bộ phận gồm 3 chiến sỹ tự vệ được cử vào trông coi, bảo quản thiết bị. Còn mọi người khi hết ca làm việc phải vào làng sơ tán, đến ca thì từ làng ra làm nhiệm vụ để ca trước về nghỉ", ông Trường kể.

Thời điểm đó, ở Đài thường xuyên có một tiểu đội gồm 9 người trong đó ông Dương Xuân Trường, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đài trưởng Nguyễn Văn Sinh.

Ông Dương Xuân Trường - Tổ trưởng tổ Cơ điện Đài phát sóng Mễ Trì năm 1972.

"Ngay từ đầu, anh em đã xác định được tinh thần là cứ 2 người một ca thay phiên nhau trực báo tình hình khẩn cấp cho toàn đội. Lúc nào cũng hăng hái, đi đâu cũng đeo khẩu súng K44 bên người, chẳng biết sợ là gì, thấy máy bay bay thấp trên đỉnh đầu là giơ súng lên bắn, không cần biết chúng sẽ ném bom ở khu vực nào.

Mỗi lính tự vệ được trang bị một khẩu K44 và một tổ trung liên K53 băng đĩa tròn. Tinh thần chiến đấu lúc nào cũng hừng hực trong huyết quản. 

Anh em còn dự định đắp một ụ nổi trên nóc nhà máy chính để trực tiếp bắn thẳng vào đầu máy bay, không cho chúng bổ nhào ném bom, song cấp trên không cho phép vì quá nguy hiểm.

Sau đó lính tự vệ được lệnh rút ra xa nhà máy phát, làm hầm chiến đấu bên bờ hồ Mễ Trì, cách mục tiêu khoảng 100m", ông Trường kể.

Đêm 18/12/1972, theo kế hoạch Mỹ rải thảm B52 ở Hà Nội và khu vực Đài Phát thanh Mễ Trì. Tuy nhiên, hướng ném bom bị lệch, phần lớn những quả bom đầu tiên rơi xuống làng Mễ Trì và ngoài cánh đồng, khiến người dân trong làng thương vong rất nhiều. Trong khi đó cán bộ công nhân của Đài sơ tán trong làng lại được an toàn.

Khoảng 4h30 sáng 19/12/1972, một loạt bom B52 trút xuống trúng khu vực Đài Phát thanh, làm một phần tường bao gia cố Nhà máy phát A bị sập, những máy móc trong nhà vẫn còn nguyên vẹn. Toàn bộ cánh đồng ăng ten ngoài trời bị gãy đổ và trạm điện cao thế bị phá huỷ. Các nhà máy B và H cũng trong tình trạng tương tự.

"Loạt bom thứ 2 trúng khu vực nhà máy B. Đây là nhà cấp 4, tuy bên ngoài có tường bao bảo vệ nhưng nhà vẫn bị sập mái đè lên máy. Ba nữ cán bộ làm ca hôm đó nhanh chóng rút xuống hầm ngay bên cạnh máy nên chỉ bị vật liệu của nhà máy đè lấp kín cửa hầm. Sau đó chúng tôi vào tháo gỡ và đưa mọi người ra ngoài an toàn. Cả 3 người đều bị thương nhẹ.

Cùng thời gian trên là ca trực của anh Nhữ Quang Thành, không may anh đã hy sinh ngay trong loạt bom đầu tiên cùng với một một chiến sỹ công an bảo vệ Đài", ông Trường nhớ lại.

Ăng ten gãy đổ, trạm điện cao thế bị phá hoại, cán bộ của Đài có người hy sinh, sóng từ Đài phát thanh Mễ Trì phải tạm ngưng, đó là thời khắc bóp nghẹt triệu con tim dân Việt đang trông ngóng, thời khắc khiến bạn bè khắp năm châu nín thở hướng về Việt Nam đang đối đầu với kẻ thù mạnh và hiện đại gấp nhiều lần.

Nhưng với chủ trương không để Tiếng nói Việt Nam phải ngưng sóng đã được chuẩn bị kỹ càng trong thời gian dài, ngay khi Đài phát sóng Mễ Trì bị đánh phá, chỉ sau 9 phút các Đài sơ tán vẫn phát sóng phát thanh bình thường, chỉ mất vài phút nhạc hiệu đầu giờ. 9 phút ấy đã đi vào lịch sử của ngành Phát thanh Việt Nam.

Hệ ăng ten Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì những năm chiến tranh.

Bám trụ bảo vệ Đài

Trước tình thế địch ném bom dữ dội vào Đài Phát thanh Mễ Trì, lực lượng công an bảo vệ Đài được lệnh rút đi để bảo toàn lực lượng, để lại cho Đội tự vệ chiến đấu của Đài đảm nhiệm toàn bộ.

Ông Trường kể, khi đó một số người được lệnh đi sơ tán trước, nhưng khi nghe tin Đài bị đánh phá đã vội vàng quay trở lại như anh Nguyễn Minh Sơn. Từ nhà ở vùng Cầu Diễn, anh chạy bộ tắt qua cánh đồng Mỹ Đình, Phú Đô, Mễ Trì xin thay anh Thành vừa hy sinh làm nhiệm vụ.

Cuộc chiến ngày một ác liệt và nguy hiểm nên cấp trên yêu cầu sơ tán triệt để, chỉ giữ lại một số người nhất định.

Từ trưa ngày 20/12/1972 đến ngày 27/12/1972, ngày nào cũng có B52 và hàng trăm lượt máy bay chiến thuật các loại đánh phá dữ dội Nhà máy dệt 8/3, ga Hàng Cỏ, kho Văn Điển, Đài Phát thanh Mễ Trì, Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên, xã Vĩnh Tuy và các nơi khác.

"Lúc đó chúng tôi đang bồi đắp công sự và hầm chiến đấu. 4 chiếc F105 bay từ hướng Tây vào Hà Nội, 2 chiếc ném bom xuống ga Hàng Cỏ, 2 chiếc quay lại bổ nhào ném bom vào Nhà máy A của Đài. Chúng tôi đứng bên công sự đếm từng quả bom rơi nổ. Khi khói bom tan, lệnh báo yên cất lên, anh Sinh cho phép chúng tôi vào kiểm tra tình hình thì thấy toàn bộ Nhà A sập đổ hoàn toàn.

Chúng tôi chui vào gỡ được mấy chiếc điện thoại dã chiến mang ra lắp để liên lạc các hầm với nhau.

Những ngày tiếp theo vẫn luôn trong tình trạng ác liệt. Có lần bom nổ cách ụ trung liên K53 chừng 20m, một tảng đất lớn đã rơi trúng băng đạn, làm băng đạn bẹp dúm lại không bắn được nữa, may sao không trúng người đứng bắn. Số bom thả trúng Đài có tới gần trăm quả. Trong đó có những lỗ hút của bom chưa nổ", ông Trường nhớ lại.

7h sáng ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị mở lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Chiến dịch ném bom huỷ diệt 12 ngày đêm vào miền Bắc và Hà Nội của Mỹ thất bại hoàn toàn.

Hai ngày sau đợt đánh phá, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Đài Phát thanh Mễ Trì, kiểm tra tình hình và động viên cán bộ Đài. Khi rời đi, Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày ngay phương án khôi phục Đài Phát thanh Mễ Trì.

"Lúc đó còn văng vẳng tiếng máy bay và mùi khen khét của khói bom mà Mỹ vừa ném xuống đâu đó trên miền Bắc. Thủ tướng vui vẻ bắt tay chúng tôi và nói 'Mỹ thua chúng ta rồi. Các cháu giỏi lắm'.

Những ngày sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Trần Quốc Hoàn, nhà thơ Tố Hữu, Lê Văn Lương.. và rất nhiều cán bộ Trung ương và Hà Nội đến thăm Đài và động viên chúng tôi nhanh chóng khắc phục hậu quả để sớm đưa làn sóng phát thanh trở lại, mang niềm tin chiến thắng đến với mọi miền Tổ quốc và bạn bè trên toàn thế giới", ông Trường kể lại.

Video: 9 phút lịch sử ngành Phát thanh Việt Nam

Xuân Trường

Tin mới