Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Y tế sẽ chỉ còn 30 bệnh viện trực thuộc, 4 bệnh viện sẽ được sắp xếp lại

Dự kiến, Bộ Y tế sẽ còn 30 bệnh viện trực thuộc; 3 bệnh viện được tổ chức lại thành bệnh viện thực hành hoặc sáp nhập với bệnh viện khác trực thuộc Bộ Y tế.

Chiều 1/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe Bộ Y tế báo cáo dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế (Đề án), với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ ngành và các địa phương.

Theo báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế hiện có 34 bệnh viện trực thuộc đang đảm nhận nhiệm vụ khám, chữa bệnh tuyến cuối, chỉ đạo tuyến, đào tạo nhân lực y tế, đặc biệt là ở trình độ sau đại học; nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán và điều trị mới; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật mới, đào tạo nhân lực…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Đề án tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; Tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, người dân; Phù hợp với chủ trương, định hướng, chiến lược phát triển ngành y tế, xây dựng một số bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế; Thực hiện theo lộ trình, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, địa phương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và khả thi, tạo sự ổn định trong hoạt động của đơn vị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Cụ thể, Bộ Y tế chỉ giữ lại các bệnh viện đầu ngành, đảm nhận vai trò ứng phó và hỗ trợ chuyên môn cấp quốc gia; có năng lực thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, phát triển kỹ thuật chuyên sâu mới; tiếp nhận và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến; đào tạo chuyên khoa và đào tạo thực hành cho bác sĩ nội trú, đào tạo trình độ chuyên môn sâu; bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuận lợi về mặt địa lý.

Một số bệnh viện chuyên khoa hiện tại chưa đạt tiêu chí của bệnh viện đầu ngành nhưng thuộc một số lĩnh vực chuyên khoa ưu tiên cần được tiếp tục đầu tư về nguồn lực để phát triển các kỹ thuật chuyên khoa chuyên sâu nhằm đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật, phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới y tế tuyến chuyên sâu, kỹ thuật cao.

Dự kiến, Bộ Y tế sẽ còn 30 bệnh viện trực thuộc; 3 bệnh viện được tổ chức lại thành bệnh viện thực hành hoặc sáp nhập với bệnh viện khác trực thuộc Bộ Y tế; chuyển 1 bệnh viện về địa phương quản lý.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thống nhất với phương án sắp xếp của Bộ Y tế đối với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Theo đó, bệnh viện này tiếp tục trực thuộc Bộ Y tế đến năm 2025 và được đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ, y bác sĩ để đạt chuẩn bệnh viện hạng 1 vào năm 2025 và tự chủ chi thường xuyên. Đến năm 2026, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam sẽ trở thành cơ sở 3 của bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế. Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Vĩnh Phúc cho biết sẵn sàng tiếp nhận các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành Trung ương trên địa bàn, trong đó có Bộ Y tế.

Đại diện các bộ Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, KH&ĐT cũng đã trao đổi, đề nghị Bộ Y tế làm rõ hơn các tiêu chí lựa chọn bệnh viện trực thuộc, bệnh viện chuyển giao về địa phương, bệnh viện sắp xếp lại; sự phù hợp với với quy hoạch phát triển mạng lưới y tế; khả năng điều động lực lượng để ứng phó với tình huống y tế công cộng khẩn cấp;…

Ghi nhận các ý kiến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ Đề án phải thực hiện đúng, nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương là: Các bộ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), cơ quan ngang bộ không chủ quản các bệnh viện, mà chuyển dần về địa phương quản lý. Bộ Y tế chỉ chủ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành. 

Việc tách công tác quản lý nhà nước và quản trị các bệnh viện trực thuộc vừa đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân, vừa giúp Bộ Y tế tập trung nguồn lực nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách quản lý đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. 

Phó Thủ tướng cho rằng, cần có quan điểm mới trong thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế bảo đảm cân bằng giữa Trung ương và địa phương; đẩy mạnh tự chủ, xã hội hoá tại những khu vực có điều kiện thuận lợi để dành nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho các vùng trũng về y tế; phát triển các chuyên ngành phù hợp với mô hình bệnh tật hiện nay…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe Bộ Y tế báo cáo dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế

Vì vậy, tiêu chí sắp xếp, tổ chức lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải khoa học, rõ ràng, bảo đảm sau khi sắp xếp các bệnh viện sẽ phát triển mạnh hơn, có bộ máy tổ chức, năng lực kết nối theo chuỗi, tuyến tốt hơn.

“Mọi phương án phải phù hợp với thực tiễn, quan tâm đến lợi ích của người dân, người bệnh. Không cắt giảm, sắp xếp máy móc, cơ học”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án. Trong đó làm rõ thêm tiêu chí xác định bệnh viện đầu ngành như cơ chế đầu tư, cơ sở vật chất, nhân lực, năng lực nghiên cứu kỹ thuật, phác đồ điều trị mới, khả năng hỗ trợ cho các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến dưới…

Bộ Y tế cũng cần đánh giá khả năng tương thích, cơ chế vận hành của các bệnh viện sau khi sắp xếp; tính phù hợp với điều kiện thực tiễn; tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia làm tốt công tác xã hội hoá y tế…

Lê Hoàng (VOV.VN)

Tin mới