Ở giai đoạn 3, Nanocovax sẽ được tiêm thử nghiệm trên 13.000 người tại nhiều địa điểm trên cả nước. Tại miền Bắc sẽ thử nghiệm lâm sàng ở Học viện Quân y và Hưng Yên; còn phía Nam, Viện Pasteur TP.HCM và Long An tham gia. Tại Long An, số tình nguyện viên đăng ký chưa được địa phương thông tin.
Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn này chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 tiêm liều vaccine Nanocovax 25 mcg và nhóm 2 sẽ tiêm giả dược với thành phần tá dược nhôm.
Hôm qua, Học viện Quân y tiêm thử nghiệm cho 19 tình nguyện viên đầu tiên. Dư kiến, trong ngày 11/6, đơn vị này sẽ tiếp tục tiêm cho 200 người tiếp theo.
Những tình nguyện viên đầu tiên tham gia tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine COVID-19 Nanocovax tại Việt Nam ngày 10/6.
Theo kế hoạch, 1.000 người đầu tiên sẽ tiêm ở Học viện Quân y và huyện Bến Lức (Long An). 12.000 người sau đó có thể tiêm thêm tại một số địa phương như Hưng Yên, Tiền Giang.
Ở giai đoạn 3, tác dụng của vaccine với biến thể của SARS-CoV-2 tìm thấy lần đầu tại Ấn Độ cũng sẽ được nghiên cứu, đánh giá. Nếu thuận lợi, đến cuối tháng 9, thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ hoàn tất.
Theo PGS-TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y, quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Nanocovax gặp chút khó khăn, đó là trong bối cảnh dịch COVID-19, việc triển khai phải đảm bảo giãn cách vì số lượng người tiêm đợt này rất đông. Nếu vô tình xuất hiện trường hợp F0, F1 lọt vào là đơn vị có thể phải đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến quá trình thử nghiệm.
Vì vậy, Học viện Quân y phải chuẩn bị kỹ càng việc sàng lọc dịch tễ, quét thân nhiệt, khai báo y tế ngay từ phía ngoài, lập phần mềm quét sàng lọc, áp dụng triệt để các biện pháp nhằm chống dịch tốt nhất. Đồng thời đơn vị cũng bố trí các phòng theo dõi sau tiêm thoáng, rộng để đảm bảo an toàn phòng dịch.