"Con nhà người ta" là ai?
Con nhà người ta có thể là bất cứ ai, từ con nhà bác hàng xóm đến anh chị em nhà cô, dì, chú, bác, cậu, mợ, xa hơn là "con nhà người ta" trên... tivi. Thật khó để nêu rõ ai là “con nhà người ta” dù bạn luôn nghe đến nó, vật lộn với nó, nhớ nhung nó như một đối thủ vô hình cho đến tận bây giờ. Vì nó xuất hiện bắt đầu từ thuở bạn sinh ra, đi học hết ba cấp rồi đến khi bạn lấy vợ/chồng, có con rồi cũng vẫn bị bám theo.
(Ảnh: nytimes)
Đặc điểm "nhận dạng"
"Con nhà người ta" có đủ các đặc điểm hoặc thông thường là có những đặc điểm mà khi bố mẹ nhìn vào bạn thấy vô cùng thiếu hay nói cách khác bạn đang ở chỉ số âm cho những đặc điểm ấy. Khi còn đi học, con nhà người ta là người học giỏi nhất thế giới, không ai có thể sánh kịp. Lúc đi làm, con nhà người ta là người vô cùng hoàn hảo, giỏi việc nước, đảm việc nhà, cha mẹ nói gì cũng nghe, bảo gì cũng làm.
Làm gì khi bị so sánh với "con nhà người ta"?
Câu chuyện muôn thuở về một nhân vật chẳng hề có thật mà mẹ chúng ta thường hay lôi ra để so sánh, để làm thước đo cho những nỗ lực, những cố gắng mà chúng ta thực hiện.
(Ảnh: freepik)
Không ai biết "con nhà người ta" thực sự là ai. Nhưng ít nhất chúng ta cũng đều một lần cảm thấy hậm hực tổn thương khi bản thân bị đem ra so sánh với người khác. Nếu cha mẹ bạn chưa từng nói về "con nhà người ta", bạn quả thực là một người may mắn.
Nhưng nếu bạn cảm thấy tổn thương, cảm thấy không muốn nghe thêm nữa về nhân vật này, đây là một trong những biện pháp có thể thay đổi tình thế.
Khoe thành tích, điểm mạnh mà bản thân từng đạt được
Không phải ai cũng hoàn hảo, cũng như không ai cũng có thể giỏi về mọi mặt, có người giỏi về những việc làm đòi hỏi sự khéo tay, có người giỏi trong việc học và có người những người lại giỏi về những môn thể chất.
(Ảnh: behance)
Nếu như bị ba mẹ đem đi so sánh với người ta, hãy đem những thành tích hoặc thứ mà bản thân có thể làm tốt nhất ra cho ba mẹ xem. Họ không biết rằng chính con cái mình cũng có những tài năng rất riêng, những tư chất rất riêng mà nhiều phụ huynh khác cũng ao ước con họ có được điều đó.
Thay đổi hướng suy nghĩ
Đúng là ai cũng khó chịu và nản lòng khi bị đem ra so sánh với anh chị em hoặc bạn bè. Mặc dù vậy, có thể bạn không nhận ra, nhưng khi so sánh bạn với người khác, người lớn thường có ý tốt, chỉ là mong muốn con cái mình có thể hoàn thiện hơn.
(Ảnh: theheadsofstate)
Do đó, lần sau nếu bị so sánh, thay vì bực dọc ngay lập tức, hãy tự hỏi: “Lời phê bình đó có đúng không?”. Nếu có phần nào đúng, hãy tìm cách khắc phục thiếu sót, suy nghĩ khách quan hơn trong mọi chuyện, đừng chỉ mãi nghĩ đến việc người lớn chỉ thích đem đi so sánh với người khác mà hãy nhìn lại bản thân mình.
Chứng minh rằng mình cũng có thể trở thành “con nhà người ta”
Đừng bao giờ để những so sánh như vậy làm bạn mất tinh thần. Hãy xoay chuyển tình thế và sẵn sàng chứng minh bạn cũng có nhiều khả năng mà người khác mơ ước ở con họ. Hãy đầu tư thời gian và sức lực cho đam mê của bạn và cống hiến hết mình. Một khi bạn gặt hái được kết quả, bạn sẽ có một tuyên bố mạnh mẽ để phản biện lại ba mẹ khi bị so sánh.
(Ảnh: naomiwilkinson)
Đừng quên cuộc sống bạn là của riêng bạn
Hãy thiết lập mức độ kỳ vọng của riêng bạn. Thông thường, cha mẹ thường so sánh như vậy do áp lực của xã hội. Xã hội luôn sẵn sàng ép buộc bạn, những tiêu chuẩn và kỳ vọng của họ. Nhưng với tư cách là một cá nhân, sự lựa chọn và kỳ vọng của bạn mới là điều quan trọng.
Nỗ lực phấn đấu là tốt, nhưng đừng quên hãy làm vì chính bản thân mình chứ đừng cố gắng trở thành bản sao của người khác chỉ để làm hài lòng ba mẹ, áp lực xã hội. Cuộc đời là của chúng ta và chúng ta có quyền quyết định nó sẽ như thế nào.