Người ta vẫn thường nói "Những người bạn tốt cũng giống như tài khoản trong ngân hàng niềm tin. Bạn càng giữ được lâu thì càng giá trị". Tuy nhiên hãy chú ý đến cảm giác của mình khi ở cạnh bạn bè để nhận ra đó có phải người bạn thật sự không!
Người bạn đó có luôn khiến bạn thất vọng không?
Những người bạn giả tạo có thể thường xuyên nói dối, nuốt lời hứa hoặc lặn mất tăm đúng vào những lúc bạn cần đến họ nhất. Bạn hãy nhìn lại tình bạn này trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng trở lại đây. Có phải bạn thường xuyên cảm thấy hụt hẫng vì hành động của họ không? Nếu đúng là vậy, có lẽ bạn đang đối mặt với một người bạn giả tạo.
Họ có luôn đặt bản thân lên trên hết?
(Ảnh: closerandcloser)
Hãy ngẫm lại cảm giác của bạn trong khi và sau khi ở bên cạnh người bạn này. Có phải bạn thường cảm thấy bị xem nhẹ hoặc phớt lờ vì họ luôn muốn lấn lướt bạn trong mọi cuộc trò chuyện hoặc mọi quyết định không?
Lắng nghe chủ động là một yếu tố quan trọng để xây dựng các mối quan hệ bền chặt. Nếu bạn luôn cố gắng lắng nghe người bạn đó nhưng họ lại không đáp lại tương xứng với bạn, vậy thì có lẽ họ không phải là người bạn chân thành.
Bạn có cảm thấy sự vô tâm từ họ?
Sự nhiệt tình và cảm thông là cốt lõi của tình bạn thực sự. Nếu người đó thường có thái độ lạnh nhạt thờ ơ với bạn, có lẽ bạn phải xem lại tình bạn này.
(Ảnh: followthecolours)
Ví dụ, họ có thể gây gổ với bạn và luôn chờ bạn xin lỗi. Rõ ràng đây không phải là một tình bạn bình đẳng và lành mạnh. Người đó cũng có thể bỏ rơi bạn trong thời gian bạn cần họ nhất, chẳng hạn như khi bạn vừa chia tay người yêu mà họ vẫn vui vẻ tiệc tùng và bỏ mặc bạn một mình.
Người bạn đó có các dậu hiệu đố kỵ hoặc ghen tỵ không?
Có những người bạn vẫn là bạn tốt khi mọi người có hoàn cảnh tương đối ngang bằng nhau. Tuy nhiên, vào lúc bạn vượt trội ở khía cạnh nào đó thì người bạn này lập tức giở móng vuốt ra. Nếu họ cáu kỉnh, buông lời chế giễu hoặc khó chịu ra mặt khi thấy bạn thành công, vậy thì bạn sẽ chẳng thể gọi họ là bạn được.
(Ảnh: twitter)
Họ có tôn trọng ranh giới của bạn?
Để thử lòng chân thành của ai đó, bạn hãy đặt ra một số giới hạn xem họ phản ứng ra sao. Một người bạn thực sự sẽ sẵn sàng chấp nhận và tôn trọng ranh giới cá nhân của bạn. Ví dụ, bạn có thể nói “Này, từ giờ trở đi mình không đi chơi với mọi người vào cuối tuần được, mình phải đi làm thêm”, hoặc “Thôi mình đừng nói đến vấn đề tiền lương nữa, mình cảm thấy không thoải mái.”
Nếu người bạn đó vẫn tiếp tục vượt qua ranh giới hoặc không chịu hiểu, có lẽ họ không phải là bạn tốt.
Người bạn đó có luôn đem khuyết điểm, sai sót của bạn ra chỉ trích?
(Ảnh: thehousethatlarsbuilt)
Mọi người ai cũng có lúc mắc sai lầm. Một người bạn tốt sẽ sẵn sàng cho bạn thời gian chứ không nhắc đi nhắc lại các lỗi lầm của bạn. Nếu cuộc đối thoại của bạn và người này chỉ là một vòng lặp vô tận xoay quanh các khuyết điểm và sai lầm của bạn, có lẽ bạn cần giữ khoảng cách với họ.
Thật khó mà mong đợi được tha thứ một cách dễ dàng nếu chúng ta đã làm tổn thương ai đó. Tuy nhiên, bạn bè tốt không nên mãi dằn vặt nhau. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái mỗi khi ở bên cạnh họ.