Quốc hội chiều nay (15/6) tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình KTXH, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời về trách nhiệm của Tổng Cục Hải quan liên quan đến xuất khẩu gạo. Nội dung này trước đó được các ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) và Nguyễn Thanh Xuân (Cần thơ) nêu ra.
Việc xuất khẩu gạo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018 Chính phủ, ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định, người khai hải quan phải nộp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Ông Dũng lý giải: "Theo quy định, điều 29 luật Hải quan thì khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ trường hợp người khai hải quan được khai tờ khai hải quan giấy theo quy định của Chính phủ.
Điều 25 luật Hải quan quy định, tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đã ký.
Điều 26 Nghị định 08 của Chính phủ hướng dẫn luật Hải quan nêu hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận kiểm tra đăng ký xử lý tờ khai hải quan 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Nói tóm lại, hải quan điện tử và 24/7 được quy định trong luật và nghị định của Chính phủ, cơ quan hải quan phải thực hiện".
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
Căn cứ vào quy định trên, để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo, xuất khẩu trong giao dịch đối với đối tác nước ngoài tại nhiều múi giờ khác nhau trên thế giới. Bộ Tài chính đã chỉ đạo cho cơ quan hải quan xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, cho phép người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Bộ trưởng Tài chính nhận định, đây là nỗ lực của cả hệ thống tổ chức trong nước và nước ngoài, được các tổ chức trong nước và nước ngoài đánh giá cao, cũng như góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Từ khi hệ thống này đi vào hoạt động, các chính sách quản lý được nạp vào hệ thống trước thời điểm 0h sẽ được tự động áp dụng từ 0h ngày tiếp theo.
Tổng cục Hải quan đã thực hiện theo quy định của pháp luật và các hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề xuất khẩu gạo lúc 0h.
“Các dữ liệu được nạp vào hệ thống tự động, do đó việc xuất khẩu tại thời điểm 0 giờ không có gì xa lạ, vì thực hiện theo quy định của pháp luật và các hướng dẫn, các yêu cầu thủ quản lý nhà nước”, ông Dũng giải thích.
"Ngày 11/4, cơ quan hải quan cho xuất khẩu gạo tiếp với hạn ngạch 400 ngàn tấn là theo quyết định của Bộ Công thương," Bộ trưởng Tài chính nói.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong thời gian qua, Bộ Tài chính cố gắng cải cách hải quan đồng thời trong chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã kiểm tra rà soát toàn bộ, xỷ xử lý nghiêm những vi phạm để thực hiện tốt kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Trước đó, tại phiên thảo luận sáng nay, ĐB Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, việc điều hành xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2020 còn nhiều bất cập, nhất là việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lại bắt đầu từ lúc 0 giờ mà không phải là giờ hành chính.
Sự việc này thể hiện sự nóng vội của ngành quản lý, thể hiện sự bất cập, không nắm đầy đủ thông tin về tình hình sản xuất gạo của cả nước, nhất là ở vựa gạo lớn nhất của cả nước ĐBSCL.
Theo ĐB, quyết định này đã gây ra thiệt hại rất lớn cho DN đã ký hợp đồng không xuất hàng đi được, tốn thêm chi phí, mất thêm cơ hội xuất khẩu gạo giá cao có lợi cho nông dân, ảnh hưởng đến sản xuất.
Còn theo ĐB Nguyễn Tạo cần nghiên cứu, xem xét điều chỉnh kịp thời chương trình kế hoạch xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp với tình hình diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh. Tránh tình trạng lúng túng, bị động như điều hành xuất khẩu gạo trong đêm khuya, giảm giá thịt heo trên tivi như trong thời gian vừa qua.