Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có nhắc đến công tác điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo Bộ trưởng, 2 tháng đầu năm, diễn biến xuất khẩu gạo tương đối phức tạp do các nước chống dịch căng thẳng, nhiều nước lo lắng an ninh lương thực, tăng mua tích trữ lương thực. Trong khi đó, Việt Nam cũng phải đối đầu với đại dịch COVID-19 và hạn ngập mặn. Bộ trưởng thừa nhận việc điều hành xuất khẩu gạo thời điểm này chưa thực sự thông suốt. Tuy vậy, kết quả xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đạt kết quả tốt. Việt Nam được nhận định trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Quốc hội)
Liên quan đến việc xuất khẩu gạo, Bộ Công thương và Bộ Tài chính trước đó có những tranh luận khá gay gắt.
Bộ Tài chính cho rằng chỉ nên cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm..., tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6 để bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia. Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu “linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế”.
Trong khi đó, Bộ Công Thương đã hai lần giải trình với Thủ tướng về lý do không thể tiếp thu ý kiến này của Bộ Tài chính. Bởi cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm. Nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.
Phát biểu trước Quốc hội sáng nay, ông Tuấn Anh cũng cho rằng nhiều khu vực trên thế giới đã tác động tiêu cực đến toàn cầu hóa, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong hoạt động thương mại quốc tế. Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, doanh nghiệp đối mặt với vấn đề về nguồn cung ứng lao động, cung ứng đầu vào và thị trường.
Trước tình hình đó, Chính phủ liên tục chỉ đạo để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, các bộ ngành cũng đã đều vào cuộc.
Cụ thể, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch hành động, ban hành ngày 3/6, tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn: củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp; tập trung thúc đẩy xuất khẩu và tận dụng các cơ hội; tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước và phát triển thương mại điện tử.
Liên quan đến các dự án điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần phải có nhiều điều chỉnh, thay đổi để đảm bảo yêu cầu cân đối cung cấp điện trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn 2024-2025 là giai đoạn thiếu điện. Bộ Công Thương đánh giá điện mặt trời là nguồn năng lượng quý báu để bù cho lượng điện năng thiếu hụt trong thời gian qua.