“Phương Tây không bắn hạ tên lửa của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Bởi chúng tôi không có ý định đối đầu trực tiếp với Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps trả lời báo chí hôm 19/5.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng thông tin, Đức - thành viên NATO, sẽ không cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev vì lo sợ chúng được sử dụng để tấn công mục tiêu của Nga ở Crimea. Trong nhiều tháng qua Berlin luôn từ chối yêu cầu của Ukraine về tên lửa tầm xa Taurus do lo ngại Kiev sẽ sử dụng vũ khí này ở Crimea.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps. (Ảnh: Getty)
Hôm 17/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc “Mỹ và Anh không chỉ cung cấp tên lửa tầm xa và vũ khí hạng nặng cho Ukraine mà còn cho phép quốc gia này sử dụng chúng để chống lại Nga”.
“Một lần nữa, chúng tôi muốn gửi lời cảnh báo tới Washington, London, Brussels và các thủ đô phương Tây khác cũng như Kiev. Nga sẽ không để yên cho những hành vi xâm phạm lãnh thổ của mình mà không bị đáp trả”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm trong vài ngày qua lực lượng phòng không Nga đã đánh chặn nhiều tên lửa và bom dẫn đường do phương Tây cung cấp cho Ukraine. Vũ khí của Anh đang được Ukraine tích cực sử dụng trong “nhiều cuộc tấn công khủng bố nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự và dân thường ở Donbass cũng như các khu vực khác của Nga”.
Quan chức Bộ Ngoại giao Nga Sergey Belyaev thông tin, Anh vẫn là một trong những nhà tài trợ vũ khí lớn nhất cho Kiev. London đã cung cấp khoản hỗ trợ trị giá 8,9 tỷ USD kể từ khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine diễn ra vào tháng 2/2022.
Gói viện trợ gần nhất Anh dành cho Ukraine trị giá 617 triệu USD, bao gồm hơn 400 phương tiện, 60 tàu thuyền và một số tên lửa tầm xa Storm Shadow và số đạn dược quan trọng chưa được tiết lộ.