Câu chuyện gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc (tập trung ở ngành giáo dục và y tế) được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình về vấn đề này, chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
"Quy luật tất yếu của kinh tế thị trường"
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chỉ ra rằng, làn sóng người lao động chuyển từ khu vực công sang tư là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới cũng phải đối mặt điều này, bởi đây là xu hướng mang tính tất yếu, theo quy luật thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới một thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu. Thị trường lao động đòi hỏi khả năng kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, các vùng trong cả nước.
Do đó, người lao động có cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, dịch chuyển trên thị trường lao động. Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường.
Trên góc độ tổng quan, xu hướng này có mặt tích cực là góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư.
"Sự chuyển dịch này có yếu tố tích cực, thúc đẩy thị trường lao động phát triển, tạo động lực, cơ hội thúc đẩy khu vực công cơ cấu công chức, viên chức, xây dựng hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách hướng tới sự đổi mới tiến bộ, công bằng, cạnh tranh lành mạnh về nhân lực trong khu vực công", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định.
Vấn đề đáng quan ngại
Phân tích xu hướng chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực công là quy luật khách quan, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà vẫn nhấn mạnh đây là vấn đề đáng quan ngại, cần được Chính phủ, Quốc hội nhìn nhận nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra 5 nguyên nhân chính. Đầu tiên là tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức thấp hơn so với thu nhập cùng trình độ làm việc ở khu vực tư.
Hai là áp lực công việc ngày càng cao, nhất là viên chức y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm của đại dịch COVID-19.
"Bên cạnh đó, môi trường làm việc một số nơi có thể nói chưa tạo được động lực cơ hội cho công chức, viên chức phát huy tốt năng lực, sở trường. Quản trị khu vực công chưa thay đổi lớn, cơ bản vẫn theo lề lối cũ trong khi khu vực tư rất chú ý tiếp cận phương thức quản trị hiện đại, khích lệ người lao động làm việc", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói thêm.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như nhiều cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, chưa tạo động lực tư tưởng để làm việc tích cực, trách nhiệm, cống hiến cho sự nghiệp nơi công tác, hoặc sức khỏe không đảm bảo, mong muốn thay đổi của cá nhân, môi trường rủi ro, hay một bộ phận tự diễn biến tự chuyển hóa, vi phạm pháp luật...
Từ những nguyên nhân trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu một số giải pháp để tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Trước hết là cải cách chính sách tiền lương. Bên cạnh việc cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch bố trí cán bộ công chức, viên chức cũng cần được đổi mới để đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng, hiệu quả và sớm xây dựng chính sách thu hút trọng dụng người tài.
"Một vấn đề nữa là phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý thực sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, gương mẫu, tạo niềm tin cho cán bộ công chức, viên chức làm việc và xây dựng môi trường văn hóa làm việc công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và có điều kiện để công chức, viên chức thể hiện tài năng", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói thêm.
Biện pháp cuối cùng được nhắc tới là đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, quyền cũng như đổi mới lề lối làm việc, phương thức làm việc để phát huy năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.