Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng NN&PTNT: Thời đại 4.0, vì sao không kết nối con cá với thị trường?

(VTC News) -

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, công nghệ 4.0 kết nối người với vật được, vậy tại sao không kết nối trái xoài, trái chuối, con cá với thị trường?

Người đứng đầu ngành nông nghiệp đặt câu hỏi đó tại buổi ra mắt Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản do Bộ NNPTNT tổ chức sáng nay 31/8. Diễn đàn còn có sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố.

"Chúng ta đặt ra câu hỏi thì sẽ tìm ra câu trả lời, tìm ra giải pháp. Đó mới là điều hữu hiệu, chứ không phải ngồi ca cẩm. Trong bối cảnh bình thường, không có dịch bệnh, thì nguyên lý kinh tế học là kết nối nguồn cung. Thị trường quyết định, chứ người sản xuất không quyết định.", Bộ trưởng nói thêm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại đầu cầu Bộ NN&PTNT. (Ảnh: Báo Nông nghiệp).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan hy vọng, thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Các Sở NN&PTNT cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. Mọi điều đều phụ thuộc vào thị trường và cách ứng xử với thị trường.

"Ngày xưa chúng ta bán cái mình có, bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần. Các trung tâm tiêu thụ nông sản sẽ phát đi tín hiệu, từ đó kích thích người nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra nước ngoài", Bộ trưởng khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng, thị trường chỉ đáp ứng được khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này, để ban chỉ đạo phát triển thị trường, xúc tiến thị trường đưa ra những quyết sách phù hợp.

"Tôi nhớ một câu nổi tiếng, khi nói đến sự thành công của mỗi người: Khi người khác đếm điều không thể, tôi ngồi đếm điều có thể. Tùy vào sự lạc quan, bi quan. Cảm xúc của chúng ta sẽ chi phối hành động của mình. Chúng ta nguyền rủa bóng tối, thì bóng tối cũng không tan đi. Chúng ta phải thắp lửa hành động", Bộ trưởng nêu quyết tâm.

Được biết, từ sáng kiến hay của Tổ công tác ở miền Nam (Tổ công tác  970) trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, như: xây dựng trang web, mạng xã hội: facebook, zalo và số điện thoại đường dây nóng…đến nay, đã hình thành được 1.300 đầu mối cung ứng; 58 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên đến 1.000 tấn/ngày trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội.

Nhiều đơn hàng lớn được kết nối, tiêu thụ thành công đã góp phần tích cực việc hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương, tạo hiệu ứng cao trong xã hội; nhất là Chương trình nông sản combo 10kg/túi đã và đang có sức lan tỏa lớn, được nhiều tỉnh, thành áp dụng và nhân rộng mô hình như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương, Tiền Giang…

Thời gian vừa qua, TP.HCM đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của 9,4 triệu dân TP.HCM, bình quân mỗi ngày người dân thành phố cần khoảng 10.964 tấn lương thực thực phẩm, trong đó cần 1.981 tấn gạo, 660 tấn lương thực khô, 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm. Trung bình nhu cầu tiêu dùng trong 1 tuần của TP.HCM là 76.747 tấn.

Xuất phát từ thành công của Tổ công tác 970, Bộ NN-PTNT đã ra mắt diễn đàn này để hướng đến việc kết nối cung ứng sản xuất nông sản, trọng tâm hướng đến nhu cầu của thị trường. 

Hàng nghìn điểm cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân TP.HCM

Tại Diễn đàn sáng nay, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cũng cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT TP.HCM đã kết nối nhiều điểm cung cấp lương thực thực phẩm. Trong đó, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã kết nối hơn 1.300 đầu mối các tỉnh thành phía Nam và khu vực Tây Nguyên để cung ứng mặt hàng nông sản cho người dân.

Hiện nay, TP.HCM đã thu hoạch gần 5.000 ha lúa, tương đương sản lượng hơn 24.000 tấn. Diện tích rau là hơn 11.000 ha đáp ứng 28% nhu cầu của thành phố. Về chăn nuôi, TP.HCM có hơn 163.000 con heo, tăng 34% so với cùng kì. Nuôi trồng thủy sản ước đạt gần 6.000 ha diện tích, tương ứng hơn 8.000 tấn sản lượng, đáp ứng được 14% nhu cầu của người dân thành phố.

Hiện nay vẫn còn 32/114 HTX sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh sản phẩm rau củ quả, thịt, thủy sản…

Nguồn cung của thành phố được phân phối qua 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi và 27 chợ truyền thống. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã tổ chức các điểm bán lưu động, sản xuất lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Ngọc Vy

Tin mới