Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Nông nghiệp: Lương thực luôn sẵn cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

Bộ NNPTNT đã lên kế hoạch ứng phó chi tiết cho đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam, đảm bảo tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đang có những diễn biến phức tạp, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến thông tin Bộ đã lên kế hoạch chi tiết.

Cụ thể, về lương thực năm nay sẽ phấn đấu đạt 43 triệu tấn; kế hoạch được phân bổ: 14,5 triệu tấn lúa cho tiệu thụ trong nước, 7,5 triệu tấn cho chế biến, 3,5 triệu tấn dự trữ, 1 triệu tấn làm giống và 13,5 đến 13,8 triệu tấn dùng xuất khẩu.

Về rau, khả năng đạt trên 18 triệu tấn, trong đó hơn 4 triệu tấn cho xuất khẩu. Các loại quả cũng đạt trên 5 triệu tấn. Thủy sản ước đạt 8,6 triệu tấn, chăn nuôi đạt 5,6 triệu tấn thịt, 15 tỷ quả trứng và 1,2 triệu tấn sữa.

Hiện nay, chúng ta huy động tổng lực các kênh tiêu thụ từ hệ thống phân phối siêu thị, các kênh phân phối online và bán lẻ. Cùng với việc nâng cao truy xuất nguồn gốc và nguồn cung thì có thể bảo đảm mọi hoàn cảnh tới đây”, Thứ trưởng Tiến khẳng định.

Mục tiêu lương thực năm nay đạt 43 triệu tấn. Ảnh: Việt Linh.

Bên cạnh việc bị tác động tiêu cực từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, ngành nông nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thiên tai. “Khó khăn bủa vây toàn bộ chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đầu vào tăng giá, khó khăn trong thu hoạch, sơ chế, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ…”, Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, nhờ đã có sự chuẩn bị và kinh nghiệm trước đó, kết quả 3 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã đạt chỉ tiêu tăng trưởng 3,16%, xuất khẩu vẫn đạt 10,61 tỷ USD và thặng dư thương mại 2,87 tỷ USD.

Đại diện Bộ NNPTNT cho rằng về tái cơ cấu, ngành nông nghiệp cần tập trung 3 trục sản phẩm: sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và sản phẩm địa phương.

Thứ hai, cần tạo môi trường thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, dự báo thị trường chính xác hơn để đáp ứng thị trường 100 triệu dân và thị trường xuất khẩu.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cũng được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng thời điểm này và tương lai. Trong khi hạ tầng kho bãi và công nghệ chế biến của ta còn lạc hậu, muốn hội nhập và nâng cao giá trị cần dồn chính sách để tăng cường chế biến sâu.

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh quản lý dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Nguồn: Zing News

Tin mới