Sáng 29/12, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2020 là năm thiên tai dị thường, với nhiều thách thức lịch sử.
Ngành nông nghiệp không chỉ đối mặt với thách thức bởi dịch COVID-19 mà còn đối mặt với thiên tai và dịch bệnh xuyên biên giới toàn cầu (dịch tả Châu Phi, châu chấu sa mạc, sâu keo mùa thu...) gây ảnh hưởng cực lớn.
"Không có năm nào đêm Giao thừa mưa rào ở Đồng bằng sông Hồng, mùng 1 Tết mưa đá ở 7 tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm hạn ở Bắc, Trung, Nam như: mặn kiệt lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long (hơn cả năm 2016); cuối tháng 9 đến giữa tháng 11 xảy ra bão chồng bão, lũ chồng lũ ở 6 tỉnh miền Trung nước ta.
Trong tổng số 13 cơn bão có tới 8 cơn bão, 2 cơn áp thấp vào đúng vùng này gây mưa lịch sử hơn 4.000mm, cường độ mưa hàng ngày lên đến 1.000mm. Phải nói là một năm dị thường về thời thiết", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. (Ảnh: VGP)
Trước những thách thức phải đối mặt, trong quý 1 năm 2020, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt từ cơ quan Đảng, Quốc hội và đặc biệt từ Chính phủ, ngành quyết tâm cao thực hiện mục tiêu kép. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng 31 lần làm việc với ngành nông nghiệp.
"Tôi khẳng định chưa có năm nào 63 tỉnh thành phố vào cuộc khu vực nông nghiệp mạnh mẽ như năm nay. Chính vì vậy, việc huy động tổng nguồn lực đạt được kết quả khi 58 tỉnh, thành phố có bước bứt phá cao về nông nghiệp. Cụ thể, tỉnh Bình Phước tăng 46%, Bắc Giang 70%, Hưng Yên 70%, Hà Nội cũng trên 40%. Đã có sự biến nguy thành cơ với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và Chính phủ", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo tư lệnh ngành nông nghiệp, việc phát triển thị trường cũng thành công với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tỉnh cũng nỗ lực khai mở các thị trường mới. Gần đây nhất, ngày 22/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ nhằm xử lý nhiều vấn đề, trong đó có xuất khẩu nông sản. Chính vì thế, năm nay xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt hơn 41 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm ngoái.
Cùng với đó, nhiều chỉ tiêu khác về nông thôn mới cũng đạt và vượt chỉ tiêu, tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu có tác động tích cực tới nhiều địa phương, điển hình nhất hiện nay là có đến một nửa lượng sản phẩm OCOP là sản phẩm của các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Ông Cường nhận định, năm 2021, khó khăn vẫn tiếp tục từ dịch bệnh, thiên tai, thị trường nhưng ngành sẽ quyết tâm hơn nữa để khai thác tốt nhất, phát triển khu vực thị trường tiềm năng cuả nông nghiệp. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01 và ngay tháng 2/2021 sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.