Tại sự kiện Ngày An toàn thông tin ngày 29/11 ở Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam có lợi thế lớn khi có khoảng một triệu nhân lực hoạt động trong lĩnh vực ICT. Trong đó, nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng thuộc loại tốt trên thế giới.
"Việt Nam hoàn toàn có thể sinh ra những doanh nghiệp lớn mạnh để trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng Việt Nam có thể bứt phá trong lĩnh vực an ninh mạng.
Nhắc đến thống kê trung bình mỗi giây có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo, Bộ trưởng cho rằng trên không gian mạng, các quốc gia phải đối mặt với những thách thức giống nhau.
"Không gian mạng là tương lai thịnh vượng của chúng ta. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số", Bộ trưởng nói.
Theo ông, đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi cách nghĩ, trong đó ứng dụng và phát triển CNTT phải song hành cùng an toàn, an ninh mạng. Mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng như một cấu phần bắt buộc. Tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho CNTT, trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này hiện chỉ ở mức dưới 5%.
Việt Nam cũng phải thay đổi cách làm. Trước đây, khi đầu tư, các tổ chức, doanh nghiệp thường chú trọng đầu tư cho giải pháp, thiết bị mà ít chú trọng đến con người, quy trình. Còn hiện nay, con người là quan trọng nhất, sau đó đến quy trình, rồi mới đến giải pháp, thiết bị.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ứng dụng CNTT không chỉ cần phát triển song song với an ninh mạng, mà còn phải gộp làm một. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam không có lựa chọn nào khác là thúc đẩy CNTT, và không thể phát triển CNTT mà không đảm bảo an ninh thông tin để bảo vệ quyền lợi của người dùng.
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, cũng nhận định trong lĩnh vực mới như an toàn thông tin an ninh mạng, ước mơ Việt Nam vươn tầm thế giới hoàn toàn có thể thành hiện thực nếu có sự tham gia của đông đảo cộng đồng, được đầu tư mạnh mẽ từ các tổ chức, doanh nghiệp, có sự thúc đẩy của hệ thống chính trị, cũng như tích cực hợp tác quốc tế.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương Hệ thống Chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử. Hệ thống sẽ giảm sát, phân tích và chia sẻ thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn cho Chính phủ điện tử.
"Trước đây, khi xảy ra sự cố, chúng ta cố giữ kín, càng ít người biết càng tốt. Giờ đây, chúng ta hiểu rằng không ai an toàn một mình trong không gian mạng. Càng chia sẻ, chúng ta càng an toàn. Nếu không chia sẻ, sau chúng ta sẽ là một ai đấy bị tấn công tương tự. Mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức không nằm ở việc cơ quan, tổ chức đó có bị tấn công không, mà là cách phản ứng thế nào sau khi bị tấn công", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.